6 lưu ý quan trọng cho các marketer năm 2020 (P1)
Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, Marketing – Tiếp thị, 1 trong những ngành ứng dụng công nghệ nhiều nhất cũng cho thấy nhiều biến chuyển đáng lưu ý. Hãy cùng điểm qua những điều quan trọng mà nhà tiếp thị cần nắm rõ trong năm 2020 dưới đây!
1. Marketing-qualified lead (MQL) không còn là mục tiêu tiếp thị đáng chú trọng
Marketing-qualified lead (MQL) là người dùng web với những tương tác, biểu hiện cụ thể, bộc lộ tiềm năng sẽ trở thành khách hàng trong tương lai. Thường thì một MQL sẽ có các hành vi thể hiện sự quan tâm với website như: tải xuống nội dung từ trang web, chọn một sản phẩm vào giỏ hàng, điền vào mẫu câu hỏi hoặc đăng ký nhận bản tin,… Các tương tác của MQL góp phần hỗ trợ đội ngũ marketing xác định vị trí của user trong hành trình mua hàng, từ đó đưa ra các phương án tiếp thị giúp chốt sale.
Nhiều năm qua, các nhà tiếp thị đã quá chú trọng vào MQL để xây dựng chiến lược marketing mà không hướng tới một mục tiêu kinh doanh thực sự.
Nhưng trong năm 2020 này, mọi thứ sẽ thay đổi!
Thay vì sử dụng mô hình phễu marketing, các công ty hiện nay đang có xu hướng chuyển dịch sang mô hình bánh đà (flywheel)* để tạo ra trải nghiệm khách hàng một cách hợp lý hơn từ đầu đến cuối.
Đứng trước xu hướng như vậy, đội ngũ tiếp thị sẽ cần phải liên kết với các bộ phận bán hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng để duy trì mối quan hệ khăng khít với khách hàng hiện tại và tìm kiếm khách hàng tiềm năng mới. Do đó, MQL theo định nghĩa truyền thống sẽ không còn là mục tiêu được chú trọng nữa.
Theo Latane Conant, CMO của 6sense (nền tảng AI dự đoán, khám phá nhu cầu tiếp thị và bán hàng B2B, giúp tìm kiếm người mua ở các giai đoạn của phễu marketing): “Vào năm 2020, các mục tiêu tiếp thị như MQL không còn được đề cao. Thay vào đó, các nhà tiếp thị sẽ tập trung nỗ lực vào việc liên kết với những mục tiêu lớn, bao trùm cả công ty để xây dựng chiến lược marketing phát triển doanh số.”
—-
* Mô hình bánh đà: Bánh đà trong thực tế là một thiết bị được dùng để lưu trữ năng lượng quay. Khi ta tác động lực lên bánh đà, nó sẽ quay và nếu dùng lực mạnh hơn thì nó càng quay nhanh hơn. Không giống như phễu (nếu muốn duy trì hoạt động, bạn phải tiếp tục đổ thêm vào miệng phễu), bánh đà vẫn sẽ tiếp tục quay, ngay cả khi bạn không tiếp tục tác động lực vào nó. Nhìn từ góc độ marketing, so với phễu, mô hình bánh đà thể hiện đầy đủ và chính xác hơn quá trình kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp. Nếu khách hàng cảm thấy hài lòng sau khi mua sản phẩm thì họ sẽ tiếp tục mua hàng và trở thành “nhiên liệu” để thúc đẩy, tạo ra nhiều đối tượng tiềm năng hơn cho doanh nghiệp trong tương lai.
Tóm lại, mô hình bánh đà thể hiện một vòng tròn mà ở đó khách hàng chính là trung tâm, quyết định sự phát triển không ngừng của doanh nghiệp. Điểm mấu chốt của mô hình này là tập trung nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.
2. Google Ads tăng cường hạn chế đối với một số lĩnh vực
Năm 2019, 61% các nhà tiếp thị cho rằng việc cải thiện SEO và thực hiện các biện pháp giúp nâng cao sự hiện hữu tự nhiên trên Google là ưu tiên tiếp thị hàng đầu của họ. Và theo Hubspot dự đoán, con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2020.
Tuy rằng các giải pháp quảng cáo của Google đã góp phần đem lại lợi ích cho hơn 1,3 triệu doanh nghiệp, website, tổ chức phi lợi nhuận nhưng vào năm 2020, các nhà tiếp thị có thể sẽ thay đổi và đẩy mạnh các chiến lược marketing theo hướng tiếp cận tự nhiên. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, Google Ads đang đưa ra nhiều hạn chế đối với các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, tín dụng,… thì việc tăng lượng traffic tự nhiên chính là xu hướng chung. Để làm được điều đó, các nhà tiếp thị cần xây dựng tốt nội dung trên web, cải thiện SEO và tăng trải nghiệm người dùng.
Theo Russ Jones, nhà nghiên cứu chính tại Moz (công ty phần mềm dịch vụ – SaaS chuyên cung cấp các phần mềm phân tích, hỗ trợ marketing): “Trong tương lai gần, Google sẽ tiếp tục đưa ra các hạn chế quảng cáo đối với một số lĩnh vực nhất định. Và mục tiêu có thể được nhắm đến đầu tiên là dịch vụ tín dụng. Các nội dung cho người lớn, chăm sóc sức khỏe và thuốc vẫn tiếp tục bị kiểm soát nghiêm ngặt.” Ông cũng cho rằng khi các biện pháp hạn chế của Google được thắt chặt, nó sẽ tạo ra cơ hội ngắn hạn để các công ty chuyển phương án marketing từ hình thức quảng cáo trả tiền sang tiếp cận tự nhiên.
3. Tăng trưởng tiếp thị dựa trên trải nghiệm (Experiential Marketing)**
HBR (Harvard Business Review) Analytic Service đã thực hiện một cuộc khảo sát toàn cầu năm 2018 với hơn 700 giám đốc điều hành kinh doanh. 93% số người được hỏi cho biết các tổ chức của họ đặt ưu tiên hàng đầu cho việc tổ chức sự kiện.
Điều này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020. Theo một nghiên cứu của The Harris Group (tập đoàn tư vấn của Mỹ), 72% số millennials (độ tuổi từ 18-24) hiện nay thích chi tiền cho các trải nghiệm hơn là sản phẩm.
Từ đó có thể thấy người dùng đang ngày càng ưu tiên lựa chọn sản phẩm/dịch vụ dựa trên sự tiện lợi và trải nghiệm (đó là lý do các loại hình dịch vụ như Uber, Spotify, Airbnb,… phát triển). Vì vậy, để níu giữ trái tim khách hàng, các doanh nghiệp sẽ buộc phải chú trọng vào việc nâng cao chất lượng trải nghiệm cho người dùng. Và các sự kiện tiếp thị trải nghiệm (Experiential Marketing) chính là phương án hiệu quả được nhiều nhà marketer chọn lựa.
Mục đích chính của Experiential Marketing là đem đến các trải nghiệm thương hiệu theo cách hữu hình, ngoại tuyến. Nhưng bên cạnh đó, người tham gia vẫn có thể tạo ra những đối thoại trực tuyến khi tham gia. Theo một thống kê đáng tin cậy, 49% người ghi lại video khi tham gia các sự kiện trực tiếp của thương hiệu. 39% trong số các video đó được chia sẻ lại trên Twitter. Như vậy, các sự kiện tiếp thị trải nghiệm cần kết hợp với yếu tố kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả và sức lan tỏa (ví dụ: khuyến khích mọi người gắn thẻ hashtag thương hiệu khi viết bài, quay phim về sự kiện).
Ben Carlson, đồng chủ tịch và đồng sáng lập của Fizzyology (công ty tìm hiểu Social insight) cho rằng: “Việc tiếp cận người tiêu dùng thông qua các chiến dịch quảng cáo truyền thống đang trở nên khó khăn hơn. Điều này đặc biệt đúng đối với khách hàng trẻ. Mặt khác, người dùng thế hệ Z và millennials cũng đang ưu tiên trải nghiệm hơn là sản phẩm. Do đó, các nhà tiếp thị có thể tận dụng xu hướng này để đẩy mạnh chiến dịch tiếp thị trải nghiệm và xây dựng những sự kiện tương tác trực tiếp.” Carlson cũng nhấn mạnh rằng ông tin tưởng tiếp thị trải nghiệm sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với các chiến dịch xây dựng thương hiệu của nhà tiếp thị trong tương lai.
—
** Tiếp thị dựa trên trải nghiệm (Experiential Marketing): Đây là một loại chiến lược thu hút khách hàng bằng những trải nghiệm thực tế. Experiential Marketing cho phép mọi người tương tác với thương hiệu, trải nghiệm những giá trị mà thương hiệu đó tạo ra một cách dễ dàng và trực tiếp. Tiếp thị trải nghiệm thường có hình thức giống như một sự kiện quảng cáo tương tác.
Bạn vẫn chưa biết cách áp dụng như thế nào? Liên hệ Levica để được tư vấn thêm.