Tag: marketing 2020

Content Marketing, Digital Marketing, Kinh nghiệm marketing

6 lưu ý quan trọng cho các marketer năm 2020 (P2)

Tiếp nối phần 1, mời bạn cùng Levica tìm hiểu về 3 điểm lưu ý quan trọng các marketer cần nắm trong năm 2020 trong bài viết sau đây. Hãy cùng tham khảo nhé!

Bạn có thể xem thêm Phần 1 của bài viết tại đây!

4. Email marketing tăng trưởng

Anthony Chiulli, giám đốc tiếp thị sản phẩm của 250ok (công ty cung cấp dịch vụ phân tích và phân phối email) nhận định rằng: “Lĩnh vực email đang không ngừng thay đổi và phát triển. Tần số sáp nhập và mua lại giữa các công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ email năm 2019 đang tăng trưởng so với năm 2018.” 

Trong chia sẻ của mình, Chiulli đã nhắc đến một vài cuộc sáp nhập đáng chú ý năm 2019 như: Validity mua lại Return Path vào tháng 5, Mailgun mua lại Mailjet vào tháng 10, và gần đây nhất là việc Sparkpost mua lại eDataSource. Thực tế này cho thấy ngành công nghiệp email đang trong giai đoạn bùng nổ. 

Cũng theo Chiulli thì email vẫn là một kênh kỹ thuật số chiếm nhiều ưu thế và không ngừng phát triển mạnh mẽ. Ông dự đoán rằng vào năm 2020, sẽ có một lượng lớn những công ty tìm kiếm lợi thế cạnh tranh từ email marketing.

5. Trí tuệ nhân tạo có nhiều bước tiến mới

Ở thời điểm 2017, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) chỉ đang mới bắt đầu giai đoạn phôi thai. Nhưng trong năm 2020 này, thế giới sẽ chứng kiến thêm nhiều bước tiến vượt bậc của AI. Google DeepMind hiện đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện một AI có thể học hỏi từ những gì mà nó đã thực hiện trước đó.

Theo International Data Corporation (IDC – Tập đoàn dữ liệu quốc tế), hệ thống AI sẽ đạt trị giá 97,9 tỷ đô la vào năm 2023, gấp hơn 2,5 lần so với con số 37,5 tỷ đô la đã được ghi nhận vào năm 2019. Điều này cho thấy sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo trong thời gian tới. Các nhà marketer có thể tận dụng xu hướng này để thay đổi các chiến lược tiếp thị hiệu quả và đánh đúng mục tiêu hơn.

Năm 2020, bạn sẽ bắt gặp nhiều hơn sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo (VR) cũng như thực tế tăng cường (AR). Trí tuệ nhân tạo cho phép AR tương tác với môi trường thực một cách sống động và đa chiều hơn. Năm 2018, doanh thu quảng cáo AR toàn cầu ước tính đạt khoản 428 triệu đô la và con số này dự kiến ​​sẽ tăng gấp ba vào năm 2021.

Theo Crystal King, giáo sư truyền thông xã hội (social media) tại HubSpot thì AR (thực tế tăng cường) sẽ tiếp tục có nhiều ảnh hưởng lớn đến social media. Crystal khẳng định: “Năm 2020, chúng ta sẽ thấy nhiều hơn các quảng cáo AR trên Snapchat, Instagram,… Chúng sẽ hiển thị phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội, giúp người dùng tăng khả năng kết nối và tham gia các sự kiện trực tiếp theo một cách thú vị.” 

Cô cũng nói thêm rằng: “AR đã và đang tạo ra sự khác biệt cho các thương hiệu nổi tiếng như IKEA (tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới), Zenni Optical (nhà bán lẻ trực tuyến kính mắt và kính râm theo toa). Thực tế tăng cường mang đến cho người dùng khả năng tương tác trực tuyến rất thú vị và mới mẻ.”

Ngoài ra, trong tiếp thị bằng văn bản, AI cũng đóng vai trò rất quan trọng. Khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, doanh nghiệp có thể nhận được các đề xuất để đưa ra nội dung marketing, thông điệp phù hợp. Tuy đánh giá cao về sự hỗ trợ của AI nhưng Matt Reid, MO của EZ Texting (công ty cung cấp phần mềm tiếp thị SMS cho doanh nghiệp) nhận định rằng: “Đối với tiếp thị bằng văn bản, điều quan trọng là cần giữ được yếu tố con người trong khi vẫn tận dụng AI để giúp tăng cường hiệu quả giao tiếp một cách tốt nhất.”

6. Công cụ khám phá của Google tiếp tục phát triển

Christina Pericone, Trưởng bộ phận Pillar and Acquisition Content của HubSpot tin tưởng rằng công cụ khám phá của Google (Google Discover) sẽ tiếp tục được cải thiện để phục vụ nội dung cá nhân hóa và chất lượng cao cho người dùng vào năm 2020.

Cô nhận định: “Google đã ra mắt Discover năm 2017 và không ngừng cải tiến công cụ kể từ thời điểm đó. Thuật toán của Discover cho phép dự đoán nội dung sẽ khiến người dùng cảm thấy thú vị căn cứ vào lịch sự tìm kiếm, duyệt web của họ. Sau đó, Google Discover sẽ hiển thị những bài viết/website trên trang chủ Google theo hướng cá nhân hóa dựa trên sở thích của người dùng.”

google discover

 

Để tối ưu hóa cho Google Discover, Perricone khuyên nên thực hiện 3 chiến lược sau:

  • Xây dựng các nội dung theo dạng gom nhóm (cluster model). Bạn nên chia các bài viết của mình thành những nhóm nội dung với chủ đề riêng. Ứng với mỗi chủ đề như vậy, nếu càng có nhiều thông tin hữu ích, liên quan, thì bạn sẽ càng có nhiều khả năng tăng thứ hạng trên Google.
  • Sử dụng hình ảnh lớn (1200px), hấp dẫn, chất lượng cao. Các hình ảnh sắc nét, thu hút sẽ giúp đáp ứng nhu cầu thị giác của độc giả và nâng cao trải nghiệm người dùng. Ngoài ra, trong một thông báo của mình, Google đã nói rằng người dùng sẽ nhìn thấy nhiều hình ảnh hơn trong nguồn cấp dữ liệu Discover. Như vậy, để thu hút traffic, bạn cần đảm bảo hình ảnh của mình đạt được chất lượng và độ sắc nét cần thiết khi hiển thị trên trang chủ Google.
  • Xây dựng nội dung bằng tất cả các ngôn ngữ có liên quan đến đối tượng mục tiêu của bạn vì người dùng có thể lựa chọn ngôn ngữ ưa thích trong quá trình tìm kiếm.

Khi các công ty đang tiếp tục xoay vòng, thích nghi và phát triển, cuộc chiến tiếp thị sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Năm 2020 đã bắt đầu, đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức mới cho các nhà tiếp thị. Hy vọng những lưu ý trên đây của Levica sẽ giúp bạn có thêm cơ sở để vượt lên dẫn đầu và làm chủ xu hướng marketing trong thời gian sắp tới. Chúc bạn thành công!

Bạn vẫn chưa biết cách áp dụng như thế nào? Liên hệ Levica để được tư vấn thêm.

lưu ý marketing 2020
Content Marketing, Digital Marketing, Kinh nghiệm marketing

6 lưu ý quan trọng cho các marketer năm 2020 (P1)

Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, Marketing – Tiếp thị, 1 trong những ngành ứng dụng công nghệ nhiều nhất cũng cho thấy nhiều biến chuyển đáng lưu ý. Hãy cùng điểm qua những điều quan trọng mà nhà tiếp thị cần nắm rõ trong năm 2020 dưới đây!

1. Marketing-qualified lead (MQL) không còn là mục tiêu tiếp thị đáng chú trọng

Marketing-qualified lead (MQL) là người dùng web với những tương tác, biểu hiện cụ thể, bộc lộ tiềm năng sẽ trở thành khách hàng trong tương lai. Thường thì một MQL sẽ có các hành vi thể hiện sự quan tâm với website như: tải xuống nội dung từ trang web, chọn một sản phẩm vào giỏ hàng, điền vào mẫu câu hỏi hoặc đăng ký nhận bản tin,… Các tương tác của MQL góp phần hỗ trợ đội ngũ marketing xác định vị trí của user trong hành trình mua hàng, từ đó đưa ra các phương án tiếp thị giúp chốt sale.

Nhiều năm qua, các nhà tiếp thị đã quá chú trọng vào MQL để xây dựng chiến lược marketing mà không hướng tới một mục tiêu kinh doanh thực sự.

Nhưng trong năm 2020 này, mọi thứ sẽ thay đổi!

Thay vì sử dụng mô hình phễu marketing, các công ty hiện nay đang có xu hướng chuyển dịch sang mô hình bánh đà (flywheel)* để tạo ra trải nghiệm khách hàng một cách hợp lý hơn từ đầu đến cuối.

Đứng trước xu hướng như vậy, đội ngũ tiếp thị sẽ cần phải liên kết với các bộ phận bán hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng để duy trì mối quan hệ khăng khít với khách hàng hiện tại và tìm kiếm khách hàng tiềm năng mới. Do đó, MQL theo định nghĩa truyền thống sẽ không còn là mục tiêu được chú trọng nữa.

Theo Latane Conant, CMO của 6sense (nền tảng AI dự đoán, khám phá nhu cầu tiếp thị và bán hàng B2B, giúp tìm kiếm người mua ở các giai đoạn của phễu marketing): “Vào năm 2020, các mục tiêu tiếp thị như MQL không còn được đề cao. Thay vào đó, các nhà tiếp thị sẽ tập trung nỗ lực vào việc liên kết với những mục tiêu lớn, bao trùm cả công ty để xây dựng chiến lược marketing phát triển doanh số.”

—-

mô hình bánh đà* Mô hình bánh đà: Bánh đà trong thực tế là một thiết bị được dùng để lưu trữ năng lượng quay. Khi ta tác động lực lên bánh đà, nó sẽ quay và nếu dùng lực mạnh hơn thì nó càng quay nhanh hơn. Không giống như phễu (nếu muốn duy trì hoạt động, bạn phải tiếp tục đổ thêm vào miệng phễu), bánh đà vẫn sẽ tiếp tục quay, ngay cả khi bạn không tiếp tục tác động lực vào nó. Nhìn từ góc độ marketing, so với phễu, mô hình bánh đà thể hiện đầy đủ và chính xác hơn quá trình kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp. Nếu khách hàng cảm thấy hài lòng sau khi mua sản phẩm thì họ sẽ tiếp tục mua hàng và trở thành “nhiên liệu” để thúc đẩy, tạo ra nhiều đối tượng tiềm năng hơn cho doanh nghiệp trong tương lai.

Tóm lại, mô hình bánh đà thể hiện một vòng tròn mà ở đó khách hàng chính là trung tâm, quyết định sự phát triển không ngừng của doanh nghiệp. Điểm mấu chốt của mô hình này là tập trung nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.

2. Google Ads tăng cường hạn chế đối với một số lĩnh vực

Năm 2019, 61% các nhà tiếp thị cho rằng việc cải thiện SEO và  thực hiện các biện pháp giúp nâng cao sự hiện hữu tự nhiên trên Google là ưu tiên tiếp thị hàng đầu của họ. Và theo Hubspot dự đoán, con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2020.

Tuy rằng các giải pháp quảng cáo của Google đã góp phần đem lại lợi ích cho hơn 1,3 triệu doanh nghiệp, website, tổ chức phi lợi nhuận nhưng vào năm 2020, các nhà tiếp thị có thể sẽ thay đổi và đẩy mạnh các chiến lược marketing theo hướng tiếp cận tự nhiên. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, Google Ads đang đưa ra nhiều hạn chế đối với các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, tín dụng,… thì việc tăng lượng traffic tự nhiên chính là xu hướng chung. Để làm được điều đó, các nhà tiếp thị cần xây dựng tốt nội dung trên web, cải thiện SEO và tăng trải nghiệm người dùng.

Theo Russ Jones, nhà nghiên cứu chính tại Moz (công ty phần mềm dịch vụ – SaaS chuyên cung cấp các phần mềm phân tích, hỗ trợ marketing): “Trong tương lai gần, Google sẽ tiếp tục đưa ra các hạn chế quảng cáo đối với một số lĩnh vực nhất định. Và mục tiêu có thể được nhắm đến đầu tiên là dịch vụ tín dụng. Các nội dung cho người lớn, chăm sóc sức khỏe và thuốc vẫn tiếp tục bị kiểm soát nghiêm ngặt.” Ông cũng cho rằng khi các biện pháp hạn chế của Google được thắt chặt, nó sẽ tạo ra cơ hội ngắn hạn để các công ty chuyển phương án marketing từ hình thức quảng cáo trả tiền sang tiếp cận tự nhiên.

3. Tăng trưởng tiếp thị dựa trên trải nghiệm (Experiential Marketing)**

HBR (Harvard Business Review) Analytic Service đã thực hiện một cuộc khảo sát toàn cầu năm 2018 với hơn 700 giám đốc điều hành kinh doanh. 93% số người được hỏi cho biết các tổ chức của họ đặt ưu tiên hàng đầu cho việc tổ chức sự kiện.

Điều này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020. Theo một nghiên cứu của The Harris Group (tập đoàn tư vấn của Mỹ), 72% số millennials (độ tuổi từ 18-24) hiện nay thích chi tiền cho các trải nghiệm hơn là sản phẩm.

Từ đó có thể thấy người dùng đang ngày càng ưu tiên lựa chọn sản phẩm/dịch vụ dựa trên sự tiện lợi và trải nghiệm (đó là lý do các loại hình dịch vụ như Uber, Spotify, Airbnb,… phát triển). Vì vậy, để níu giữ trái tim khách hàng, các doanh nghiệp sẽ buộc phải chú trọng vào việc nâng cao chất lượng trải nghiệm cho người dùng. Và các sự kiện tiếp thị trải nghiệm (Experiential Marketing) chính là phương án hiệu quả được nhiều nhà marketer chọn lựa.

Experiential Marketing

Mục đích chính của Experiential Marketing là đem đến các trải nghiệm thương hiệu theo cách hữu hình, ngoại tuyến. Nhưng bên cạnh đó, người tham gia vẫn có thể tạo ra những đối thoại trực tuyến khi tham gia. Theo một thống kê đáng tin cậy, 49% người ghi lại video khi tham gia các sự kiện trực tiếp của thương hiệu. 39% trong số các video đó được chia sẻ lại trên Twitter. Như vậy, các sự kiện tiếp thị trải nghiệm cần kết hợp với yếu tố kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả và sức lan tỏa (ví dụ: khuyến khích mọi người gắn thẻ hashtag thương hiệu khi viết bài, quay phim về sự kiện).

Ben Carlson, đồng chủ tịch và đồng sáng lập của Fizzyology (công ty tìm hiểu Social insight) cho rằng: “Việc tiếp cận người tiêu dùng thông qua các chiến dịch quảng cáo truyền thống đang trở nên khó khăn hơn. Điều này đặc biệt đúng đối với khách hàng trẻ. Mặt khác, người dùng thế hệ Z và millennials cũng đang ưu tiên trải nghiệm hơn là sản phẩm. Do đó, các nhà tiếp thị có thể tận dụng xu hướng này để đẩy mạnh chiến dịch tiếp thị trải nghiệm và xây dựng những sự kiện tương tác trực tiếp.” Carlson cũng nhấn mạnh rằng ông tin tưởng tiếp thị trải nghiệm sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với các chiến dịch xây dựng thương hiệu của nhà tiếp thị trong tương lai.

** Tiếp thị dựa trên trải nghiệm (Experiential Marketing): Đây là một loại chiến lược thu hút khách hàng bằng những trải nghiệm thực tế. Experiential Marketing cho phép mọi người tương tác với thương hiệu, trải nghiệm những giá trị mà thương hiệu đó tạo ra một cách dễ dàng và trực tiếp. Tiếp thị trải nghiệm thường có hình thức giống như một sự kiện quảng cáo tương tác.

(Xem tiếp phần 2)

Bạn vẫn chưa biết cách áp dụng như thế nào? Liên hệ Levica để được tư vấn thêm.

Skip to toolbar