4 cách viết tiêu đề hay không cưỡng nổi
1. Sử dụng các con số
Hầu hết tất cả người đọc đều ấn tượng mạnh đối với những con số. Vậy nên bạn có thể đặt tiêu đề dưới dạng một danh sách để gây sự chú ý đối với độc giả.
Theo nghiên cứu của Conductor thì tiêu đề chứa con số có khả năng tăng lượt nhấp chuột 36% so với những tiêu đề không chứa con số.
Và một cuộc điều tra khác từ 150.000 tiêu đề tiết lộ các tiêu đề số lẻ có CTR (tỷ lệ nhấp) tốt hơn 20% so với tiêu đề số chẵn.
Ví dụ: thay vì ghi “Các bước để có kế hoạch nội dung tiếp thị (content marketing plan) hiệu quả, hãy đặt con số vào tiêu đề này như “5 bước để có kế hoạch nội dung tiếp thị hiệu quả”.
Hoặc nếu không muốn viết tiêu đề dưới dạng danh sách, bạn có thể sử dụng các con số đối lập để gây shock hoặc tò mò cho người đọc. Phương pháp này hay được áp dụng đối với những bài viết về thủ thuật, hướng dẫn, mẹo vặt…
Nguồn: backlinko.com
Ví dụ:
Tăng 50% lượng khách hàng chỉ trong vòng 1 tuần (ở đây có sự đối lập giữa lượng khách hàng tăng lên và thời gian để đạt được điều đó)
Kiếm được 10 triệu/tháng chỉ với 1 triệu đồng tiền vốn
Những tiêu đề như thế này luôn gây tác động mạnh đến tâm lý người đọc và khiến họ “không thể cưỡng lại” mà click vào xem.
2. Tiêu đề gợi sự tò mò
Đây là cách được khá nhiều người làm content marketing sử dụng. Bạn có thể sử dụng một trong các gợi ý sau đây của Levica để thử nghiệm phương pháp này:
Sử dụng cấu trúc câu bỏ lửng và dấu “…” cuối câu
Hẳn khi lướt Facebook xem tin tức, bạn đã từng bắt gặp những bài báo giựt tít kiểu như thế này: “Ai cũng cười nhạo cô bé xấu xí cho đến khi…” hoặc “Sơn Tùng bị tố đạo nhạc nhưng…”
Đôi khi những title như vậy khiến bạn thấy khó chịu vì sự lấp lửng, không rõ ràng nhưng không thể phủ nhận được sức hấp dẫn khó cưỡng của chúng đối với người đọc. Với một cấu trúc bỏ lửng như trên, bạn có thể “thiên biến vạn hóa” ra muôn vàn kiểu tiêu đề khác nhau.
Ví dụ:
Làm SEO, nghề Hot nhưng…
Bill Gates là tỷ phú giàu nhất thế giới nhưng không ai ngờ rằng….
Sử dụng ngôn ngữ bí ẩn
Hãy viết một title có sử dụng các từ ngữ mới lạ, kỳ bí. Điều này sẽ giúp khơi gợi trí tò mò của người xem. Nếu quá khó để nghĩ ra những câu từ mới lạ, bạn có thể sử dụng các mô típ quen thuộc hơn bằng cách đưa ra các cụm từ như: bí mật đằng sau…; bí mật chưa bao giờ được tiết lộ…; sự thật gây sock về…
Ví dụ:
SEO chính phái và SEO tà đạo (Sử dụng ngôn ngữ bí ẩn, mới lạ)
Bí mật thật sự đằng sau các chiến dịch marketing thành công trên thế giới
Bí ẩn chưa có lời giải của tam giác Quỷ
3. Tiêu đề có chứa yếu tố cảm xúc
Theo một thống kê của BuzzSumo thì có 7 chủ đề có khả năng thu hút rất nhiều người đọc, đó là: chân thành, hài hước, ngạc nhiên, truyền cảm hứng, sắc đẹp, cảnh báo và gây shock. Việc đánh vào yếu tố cảm xúc luôn tạo ra hiệu quả đột phá. Khi viết content marketing, hãy đặt tiêu đề với những cụm từ mạnh như: cười té ghế; không thể tin nổi; phẫn nộ; đắng lòng; thật xót xa; ai cũng phải rơi lệ;….
Ví dụ:
Cả thế giới phẫn nộ trước “màn tra tấn tàn độc” cậu bé khuyết tật
Cười té ghế với những tình huống thể thao siêu hài hước
Không nhịn được cười với hình ảnh Gordon Ramsay ngoài đời thực
4. Tiêu đề sử dụng câu hỏi
Câu hỏi luôn gợi lên sự hứng thú cho người đọc, thúc đẩy họ xem tiếp để tìm ra câu trả lời và cách giải quyết vấn đề. Dưới đây là một số dạng câu hỏi thường được sử dụng:
Câu hỏi “Làm thế nào?”
Với kiểu câu hỏi như thế này, nó xứng đáng được vinh danh là “ông cố tổ” của các cách đặt câu hỏi vì đã xuất hiện từ hơn 100 năm trước và có mặt trong vô số bài báo, quảng cáo, content marketing. Tuy nhiên không phải vì câu hỏi này cũ mà chúng ta nghĩ nó thật nhàm chán. Câu hỏi “làm thế nào” giống như một lời “mời gọi” đầy quyến rũ”: “Hãy click vào tôi đi và tôi sẽ chỉ ra cho bạn một cái gì đó thật sự hay ho, hữu ích.”
Một số công thức chung bạn có thể áp dụng:
- Làm thế nào […] (Ví dụ: Làm thế nào để tạo ra kế hoạch marketing hiệu quả trên mạng xã hội (social network marketing?)
- Làm thế nào để […] mà không [ hành động gây khó chịu] (Ví dụ: Làm thế nào để có bài post gây tranh cãi mà không bị phản cảm ?)
- Làm thế nào để [ làm gì đó] trong [n] phút/giờ/ngày… (Ví dụ: Làm thế nào để viết 1 bài blog trong 20 phút)
Câu hỏi “Tại sao?”
Cụm từ “tại sao” được đặt ra không phải với dụng ý để đặt câu hỏi mà để đưa ra quan điểm và hứa hẹn một lời giải thích phía sau đó. Bạn có thể đặt tiêu đề dạng này theo cấu trúc sau:
Tại sao [hành động/ sự việc] là/ có thể là [ ý kiến/ sự khẳng định]
Ví dụ:
Tại sao những người nội tâm lại là những nhà tiếp thị nội dung giỏi?
Tại sao nội dung tương tác lại có thể là chiến thuật tiếp thị gây hứng thú nhất năm 2017?
Với 4 gợi ý viết tiêu đề trên đây, Levica hy vọng bạn đã có 1 vài ý tưởng sáng tạo cho tiêu đề bài viết trên website hay post trên facebook của mình. . Tuy nhiên khi đã có được một tiêu đề hấp dẫn, bạn cũng hãy nhớ chú ý phát triển phần nội dung. Đừng “treo đầu dê bán thịt chó” để người đọc thấy ngán ngẩm và không muốn quay lại nữa nhé!