Bạn đã bắt đầu năm 2020 của mình như thế nào? Việc xây dựng chiến lược, đưa ra các ý tưởng marketing mới có khiến bạn cảm thấy áp lực, mệt mỏi? Khoa học đã chứng minh rằng áp lực có thể gây ra căng thẳng và nỗi sợ thất bại. Nếu áp lực quá lớn, nó không chỉ cản trở động lực làm việc mà còn ngăn bạn cho ra đời những ý tưởng mới lạ, độc đáo.
Vậy làm sao để luôn sáng tạo dưới sức nặng của áp lực? Dưới đây là một số mẹo mà Levica đã tổng hợp được từ các chuyên gia tiếp thị, trong đó có nhóm marketing hàng đầu của HubSpot. Hãy cùng tham khảo nhé!
1. Giả vờ rằng bạn đang làm việc thay mặt một người khác
Đôi khi, chúng ta bị ám ảnh bởi suy nghĩ: “Những ý tưởng sai lầm có thể sẽ khiến cho sự nghiệp xuống dốc.” Chính sự mặc định trong tiềm thức này là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy căng thẳng, sợ hãi khi phải đưa ra các ý tưởng khác biệt, mới lạ.
Để dẹp bỏ sự lo lắng này sang một bên, hãy giả vờ rằng bạn đang tạo ra ý tưởng cho người khác – chẳng hạn như một khách hàng hoặc một đồng nghiệp. Như vậy, bạn sẽ cảm thấy đầu óc nhẹ nhõm hơn và có thêm nhiều sáng tạo kiệt xuất.
Giả vờ làm việc thay cho người khác nghe có vẻ là một mẹo lạ nhưng nó lại được đề xuất bởi Quản lý cao cấp của HubSpot Blog – Karla Cook. Theo lý giải của Cook thì khi phải tự mình xây dựng một ý tưởng/tác phẩm sáng tạo, bạn thường tự tạo cho mình áp lực để hoàn thiện nó. Và điều này có thể hạn chế mức độ sáng tạo của bạn. Nếu nghĩ rằng công việc này của người khác, thuộc trách nhiệm của người khác, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn và có khả năng chấp nhận rủi ro trong sáng tạo.
Tư duy này thật sự mang lại hiệu quả và đã được 2 nhà nghiên cứu của Cornell (viện đại học nghiên cứu tư thục và là một thành viên của Ivy League ở Ithaca) là Evan Polman và Kyle J. Emich khẳng định trong bài viết “Quyết định cho người khác sáng tạo hơn quyết định cho bản thân”. Evan Polman và Kyle J. Emich đã tiến hành một cuộc nghiên cứu tâm lý. Họ chia những người tham gia thành hai nhóm và giao cho cả hai nhiệm vụ vẽ một người ngoài hành tinh. Nhóm A được cho biết họ đang vẽ nhân vật cho một câu chuyện mà sau đó họ sẽ tự viết. Còn nhóm B thì lại được thông báo rằng người ngoài hành tinh là nhân vật của một câu chuyện mà người khác sẽ viết. Kết quả, nhóm B đưa ra những bản vẽ sáng tạo hơn rất nhiều so với nhóm A.
Từ nghiên cứu trên, hai nhà khoa học Evan Polman và Kyle J. Emich đã đưa ra lời giải thích như sau: Khi bị mắc kẹt trong những quan điểm của riêng mình, bạn thường chỉ dựa vào chuyên môn và kinh nghiệm của bản thân để tiếp cận, xử lý các tình huống. Nhưng khi giải quyết vấn đề thay cho người khác, bạn có nhiều cơ hội để bước ra ngoài và xem xét mọi thứ dưới một góc nhìn mới mẻ hơn.
2. Bắt đầu sáng tạo bằng cách phác thảo và chỉnh sửa sau
Hãy thực tế một chút đi! Trong ngành công nghiệp sáng tạo thì những khoảnh khắc tuôn trào ý tưởng là một điều khá xa xỉ. Do đó, đừng đợi đến khi có cảm hứng mới làm việc. Việc nhìn chằm chằm vào một trang giấy trống có thể sẽ khiến bạn sợ hãi và gia tăng thêm áp lực cho bản thân.
Hãy cứ bắt đầu bằng cách phác thảo một vài nội dung mà mình có thể nghĩ ra trong đầu!
Đừng lo rằng các ý tưởng quá lộn xộn. Đừng vội chỉnh sửa. Đừng phá vỡ dòng chảy suy nghĩ của mình dù cho nó có ngớ ngẩn. Hãy thưởng thức mọi thứ đang trôi trong đầu của bạn và viết/vẽ chúng lên giấy. Nếu muốn chỉnh sửa, hãy quay trở lại và làm điều đó vài giờ sau đó, khi bộ não đã nạp đủ năng lượng cần thiết.
Việc làm này có 2 mục đích. Thứ nhất, đem tất cả ý tưởng đặt lên trang giấy thay vì giữ chúng trong đầu giúp bạn có thêm không gian để phát triển chúng. Thứ hai, theo các nghiên cứu khoa học thì việc viết/vẽ sẽ kích thích não hoạt động và châm ngòi cho nhiều sự sáng tạo hơn.
Caroline Forsey – một writer của HubSpot Blog cho biết: “Khi bạn đã có sẵn một phác thảo để xuất bản (ngay cả khi đó không phải là tác phẩm được viết tốt nhất), áp lực sẽ được giảm bớt.”
3. Sử dụng deadline hiệu quả
Teresa Amabile, Giáo sư Quản trị kinh doanh tại Trường Harvard Business đã nghiên cứu 177 người làm việc cho các công ty hàng đầu Hoa Kỳ. Cô yêu cầu họ ghi chép lại ngày làm việc, mức độ áp lực và khả năng sáng tạo của bản thân.
Sau nghiên cứu này, Amabile nhận thấy rằng deadline quá chặt chẽ hoặc quá lỏng lẻo đều cản trở sự sáng tạo.
Nhân viên làm việc với deadline sát sao sẽ không đủ thời gian để tư duy, suy nghĩ sáng tạo. Họ phải đối mặt với khủng hoảng, áp lực và rất nhiều sự hối thúc. Điều này khiến họ luôn bận rộn và không thể tập trung hoàn thành dự án cốt lõi của mình.
Ngược lại, nếu đưa ra thời hạn hoàn thành quá dài cũng gây bất lợi cho tư duy sáng tạo của nhân viên vì họ không có đủ động lực làm việc và tạo ra thói quen trì hoãn.
Bây giờ là phần thú vị nhất!
Đưa ra deadline vừa phải (không quá khắt khe và cũng không quá nới lỏng) thì nhân viên sẽ có được sự sáng tạo đỉnh cao. Áp lực do deadline mang lại có thể không thú vị. Tuy nhiên một môi trường nhạy cảm về mặt thời gian có thể đem đến cho bạn sự tập trung tuyệt đối và nhanh chóng đưa ra những ý tưởng tuyệt vời.
Nhưng làm sao tạo ra deadline vừa phải trong khi bạn đã được giao cho một thời hạn nhất định để hoàn thành dự án và không thể thay đổi nó? Câu trả lời là: Hãy chia công việc thành các deadline nhỏ với thời gian vừa phải. Sử dụng deadline ngắn hạn như một phần của dự án lớn cho phép bạn sắp xếp công việc khoa học, hiệu quả hơn và biết được chính xác tiến độ của mình.
Những deadline nhỏ như vậy sẽ giúp giảm căng thẳng và tiếp thêm động lực để bạn tiến tới mục tiêu cuối cùng.
4. Rời khỏi máy tính, thay đổi môi trường sáng tạo
Nếu bạn đang mắc kẹt với những ý tưởng thì ngồi tại bàn làm việc, nhìn chằm chằm vào máy tính không phải là cách tốt để lấy cảm hứng. Nó chỉ khiến cho bạn cảm thấy áp lực và gánh nặng hơn mà thôi. Theo một khảo sát của iStock dành cho các chuyên gia sáng tạo thì 34% người được hỏi cho rằng cảm hứng có thể đến trong lúc họ đi bộ, 25% tìm ý tưởng khi tắm và 22% nghĩ có thể sáng tạo khi tập thể dục.
Việc trải nghiệm một môi trường làm việc mới khác biệt, đầy sức sống cũng có thể kích thích tư duy sáng tạo trong bạn. Andrew và Gaia Grant đã từng đề cập trong một cuốn sách của mình thì: 40% sáng tạo đến từ di truyền học và 60% đến từ chính những trải nghiệm về môi trường của chúng ta.
Do đó, lần tới, nếu bạn cảm thấy chịu quá nhiều áp lực, hãy thử đi bộ, đến một quán café địa phương hoặc đơn giản là ra ngoài hít thở không khí trong lành để châm ngòi cho sự sáng tạo bùng nổ.
5. Ghi lại ý tưởng khi chúng lởn vởn trong đầu bạn và hoàn thiện sau
Những ý tưởng tuyệt vời có thể ập đến bất cứ lúc nào: trong xe hơi, trong khi nấu ăn hoặc ngay cả khi bạn đang ngủ trên giường. Do đó, khi lóe lên một ý nghĩ nào đó trong đầu, hay nhanh chóng ghi lại nó.
Jim Ruocco, Senior Customer Success Manager của HubSpot chia sẻ: “Hãy sử dụng máy ghi âm hoặc trợ lý giọng nói để ghi lại những suy nghĩ sáng tạo của bạn khi chúng bất chợt ập đến.” Ruocco cũng nói thêm rằng nếu sử dụng trợ lý giọng nói, bạn nên hướng dẫn nó nhắc nhở bạn vào ngày hôm sau. Ví dụ, bạn có thể nói: “OK Google. Nhắc tôi tạo một ứng dụng đón Valentine cho người độc thân vào 9 giờ sáng mai.”
Không ai thích áp lực nhưng làm việc dưới áp lực là điều cần thiết để phát triển khả năng sáng tạo của bạn. Cần nhớ rằng đừng nên quá chú tâm vào những thứ chúng ta không điều khiển được như: yếu tố ngoại cảnh, deadline,… Thay vào đó, hãy suy nghĩ xem bản thân nên tư duy như thế nào để đạt được mục tiêu. Giống như Roy Bennett (chính trị gia người Zimbabwe) đã nói: “Thay vì lo lắng về những gì bạn không thể kiểm soát, hãy chuyển năng lượng sang những gì bạn có thể tạo ra.”
Bạn có thể tìm kiếm thêm cách tư duy sáng tạo qua các bài viết:
95 ý tưởng để sáng tạo nội dung dễ dàng hơn bao giờ hết (P1)
95 ý tưởng để sáng tạo nội dung dễ dàng hơn bao giờ hết (P2)
Bí ý tưởng sáng tạo – Tiếp tục hay từ bỏ?
INFOGRAPHIC – Làm sao kích thích sự sáng tạo trong bạn?
INFOGRAPHIC – 5 công cụ miễn phí giúp sáng tạo nội dung đỉnh cao
Bạn vẫn chưa biết cách áp dụng như thế nào? Liên hệ Levica để được tư vấn thêm.