Nostalgia marketing là một xu hướng tiếp thị đang được rất nhiều nhãn hàng yêu thích sử dụng trong thời gian gần đây. Nhưng làm sao để tận dụng được xu hướng này một cách hiệu quả nhất? Sau đây, Levica xin chia sẻ một số bí quyết nhỏ để giúp bạn tạo dựng chiến dịch nostalgia marketing thành công.
Để hiểu thêm nostalgia marketing là gì và nó có vai trò như thế nào trong tiếp thị, bạn có thể đọc thêm bài viết:
Nostalgia marketing – Sức mạnh của hoài niệm trong tiếp thị
1. Biết rõ mục đích của chiến lược tiếp thị
Một chiến lược tiếp thị tốt luôn cần có mục đích xác đáng. Với nostalgia marketing cũng vậy. Nếu muốn sử dụng các ý tưởng hoài cổ một cách hiệu quả, bạn cần tự đặt ra câu hỏi: “Mục đích của chiến dịch nostalgia marketing này là gì? Tại sao nó lại giúp ích cho thương hiệu của tôi? Làm sao để kích hoạt nỗi nhớ, phục vụ cho mục đích đó?”. Sau khi trả lời được những câu hỏi này, bạn sẽ biết nên sử dụng nỗi nhớ nào để khiến khán giả chú ý.
Dưới đây là một số lý do để sử dụng nỗi nhớ trong marketing:
- Hồi sinh một sản phẩm hoặc dịch vụ đã bị ngưng trong quá khứ.
- Kỷ niệm một mốc thời gian quan trọng hoặc chúc mừng ngày thành lập công ty.
- Tạo ra cho thương hiệu một hình ảnh mới mẻ để tái định vị bản thân trong lòng khán giả/khách hàng.
- Làm nổi bật sự thay đổi của công ty. Chẳng hạn như khi hợp tác với một đối tác mới, tập trung vào một mục tiêu kinh doanh mới hoặc quyết định thay đổi tên/logo công ty.
Hãy chắc chắn rằng có một lý do mạnh mẽ và đủ thuyết phục đằng sau chiến dịch nostalgia marketing của bạn trước khi bắt đầu thực hiện các bước tiếp thị!
2. Nghiên cứu kỹ đối tượng mục tiêu
Chìa khóa cho bất kỳ chiến dịch tiếp thị nào là hiểu được nhu cầu và sở thích của khán giả. Do đó, trước khi bắt đầu thực hiện một chiến lược tiếp thị hoài niệm, bạn cần đảm bảo rằng mình xây dựng hình ảnh và ý tưởng phù hợp với thế hệ khách hàng đang nhắm đến. Hãy nghiên cứu kỹ về độ tuổi, sở thích, tính cách của đối tượng mục tiêu ở cả 2 thời điểm xưa và nay. Một chiến dịch tiếp thị nỗi nhớ thành công cần phải vừa nêu bật được những ký ức tươi đẹp trong quá khứ, vừa phù hợp với thị hiếu của khán giả ở thời điểm hiện tại.
3. Sử dụng âm nhạc làm chất dẫn cảm xúc
Nhiều khảo sát của Spotify (công ty cung cấp âm nhạc kỹ thuật số từ các hãng thu âm như Sony, EMI, Warner Music Group và Universal) đã chỉ ra rằng âm nhạc chính là tác nhân kích hoạt cảm xúc hoài niệm hàng đầu. Mọi người thường sẽ tìm kiếm những bài hát quen thuộc để gợi nhắc về kỷ niệm trong quá khứ.
Tiến sỹ Marisa M. Silveri, Giám đốc Phòng thí nghiệm phát triển thần kinh về chứng nghiện và sức khỏe tinh thần tại bệnh viện McLean cũng đồng ý với nhận định này. Theo Marisa, âm nhạc kích thích cảm xúc mạnh mẽ hơn so với các yếu tố khác như xúc giác, hình ảnh (điều này đã được kiểm chứng qua nhiều nghiên cứu về khoa học thần kinh). Trong khi đó, ký ức lại có nền tảng từ cảm xúc. Những ký ức gây cảm xúc mạnh sẽ khắc sâu vào tâm trí con người hơn so với ký ức không cảm xúc. Vì vậy, âm nhạc đóng vai trò rất lớn trong việc lưu trữ ký ức của chúng ta.
Để xây dựng chiến dịch nostalgia marketing thành công, phần âm nhạc là vô cùng quan trọng. Thường thì chúng ta có cảm giác hoài niệm nhất khi được nghe lại những bài hát nằm ở giữa hoặc cuối giai đoạn tuổi thiếu niên của mình. Sau 35 tuổi, mọi người sẽ không còn quá nhạy cảm với sự thay đổi nữa, thay vì nghe nhạc “thời đại” thì họ lựa chọn tiếp tục nghe nhạc trong “thời niên thiếu của chính mình”. Do đó, bạn nên đưa vào clip quảng cáo các bài hát quen thuộc, gắn liền với thời niên thiếu của đối tượng mục tiêu để khơi gợi cảm giác hoài niệm trong lòng họ.
4. Lan tỏa nỗi nhớ trên social media
Nếu nỗi nhớ là mồi cho chiến dịch tiếp thị của bạn thì phương tiện truyền thông xã hội chính là cần câu. Social media là một nơi lý tưởng để bạn “gieo rắc” nỗi nhớ. Hoài niệm là một cảm xúc vốn có, ẩn sâu trong mỗi người. Khi được kích hoạt thì nó sẽ tạo ra hiệu ứng domino vô cùng mạnh mẽ. Chúng ta không chỉ tận hưởng những ký ức thông qua các hình ảnh hay âm thanh hoài cổ mà còn muốn kết nối với bạn bè, các thành viên trong gia đình để chia sẻ những kỷ niệm. Khi nhắc lại một điều đã xưa cũ, mọi người thường có xu hướng hỏi bạn bè của mình: “Này, bạn có nhớ điều này giống tôi không?”. Và social media chính là môi trường hoàn hảo để người dùng chia sẻ, lan truyền hồi ức theo cách như vậy.
Bằng cách đưa trải nghiệm quá khứ lên phương tiện truyền thông xã hội, bạn có thể tăng tác động của chiến dịch nostalgia marketing ngay lập tức thông qua các cuộc trò chuyện một cách tự nhiên giữa người dùng với nhau.
Sử dụng các hashtag như #FBF (Flashback Friday), #ngày_này_năm_xưa, #10yearschallenge là một cách hữu hiệu để các thương hiệu đánh thức ký ức của người dùng trên mạng xã hội.
5. Kết hợp quá khứ và hiện đại
Tuy sự hoài niệm mang lại cảm giác dễ chịu cho chúng ta nhưng không ai thích những thứ đã quá lỗi thời. Vì vậy, đừng tạo ra một chiến dịch chỉ ngập tràn những thứ hoài cổ. Thay vào đó, hãy đảm bảo là bạn biết kết hợp giữa “chuyện xưa tích cũ” với “đời sống hiện đại” để tạo ra một cái gì đó tươi mới hơn trong chiến dịch nostalgia marketing của mình. Sự kết hợp này sẽ giúp đem đến trải nghiệm hấp dẫn và thú vị hơn cho khách hàng của bạn.
Ví dụ như trong chiến dịch “Archive Reissue – Logo Remix”, GAP đã khiến mọi người bất ngờ và thích thú khi định nghĩa lại về biểu tượng của mình sau 50 năm. Âm nhạc cũng đóng vai trò rất lớn trong chiến dịch này. Các nghệ sĩ Metro Boomin và SZA đã tạo ra các bản phối mới cho những ca khúc đình đám trong quá khứ như “Hold Me Now” để tạo nên sự hiện đại nhưng vẫn giữ được nét “hoài cổ”.
Ngoài ra, cần lưu ý, dù việc kết hợp giữa hoài cổ và hiện đại là điều tốt nhưng phải đảm bảo rằng bạn có thể làm nổi bật những chi tiết quan trọng thuộc về quá khứ (ví dụ như sử dụng một bài nhạc thập niên 80 chạy xuyên suốt quảng cáo). Hãy nhớ việc khơi gợi cảm giác hoài niệm vẫn là yếu tố cốt lõi làm nên thành công cho chiến dịch nostalgia marketing.
6. Kết hợp nhiều yếu tố kích thích cảm xúc
Bạn cần vận dụng tối đa các yếu tố kích thích cảm xúc khác nhau để tạo ra sự hoài niệm theo đúng nghĩa. Tất cả các giác quan đều góp phần khơi gợi ký ức cho người xem. Do đó, hãy kể câu chuyện nostalgia thông qua hình ảnh, âm thanh, chuyển động và thậm chí có thể là mùi thơm, hương vị.
7. Nhấn mạnh vào lịch sử thương hiệu
Nếu công ty đã thành lập được một thời gian dài, trải qua nhiều cột mốc đáng nhớ, bạn có thể tận dụng các tài nguyên có sẵn (print ads, quảng cáo truyền hình,… trước đó của công ty) để đưa vào trong chiến dịch tiếp thị nỗi nhớ của mình. Hãy tạo dựng nội dung dựa trên những kỷ niệm đã có giữa thương hiệu với người dùng. Điều này giúp sợi dây gắn kết tình cảm giữa bạn và người tiêu dùng trở nên bền chặt hơn.
Tóm lại, nếu biết chọn đúng “khoảnh khắc lịch sử”, khai thác cảm xúc của đối tượng mục tiêu về ký ức một cách khéo léo, chiến lược marketing đánh vào lòng hoài niệm (nostalgia marketing) sẽ là một bước đi thông minh, tạo ra khác biệt cho thương hiệu.
Hy vọng với những chia sẻ trên đây của Levica, bạn đã có thêm cảm hứng để tự thực hiện chiến dịch nostalgia marketing cho riêng mình. Chúc bạn thành công!
Bạn vẫn chưa biết cách áp dụng như thế nào? Liên hệ Levica để được tư vấn thêm.
0 comments
Write a comment