Trong phần tiếp theo này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về 5 cách còn lại để xây dựng chiến lược marketing hiệu quả mùa dịch Corona. Hãy cùng tham khảo nhé!
Mời bạn xem thêm phần 1 của bài viết:
9 tip để xây dựng chiến dịch marketing thời Corona hiệu quả (P1)
——–
5. Đưa ra khuyến mãi thiết thực
Trong thời điểm khủng hoảng như hiện nay, để kích cầu kinh doanh, việc đưa ra chương trình khuyến mãi đúng lúc, đúng nhu cầu là rất quan trọng.
Tùy thuộc vào ngành hàng đang kinh doanh mà bạn có thể lựa chọn tặng phẩm, cách thức khuyến mãi khác nhau để vừa liên quan đến công ty vừa phù hợp với khách hàng trong mùa dịch. Ví dụ, nếu kinh doanh FMCG, bạn có thể tặng khẩu trang, bao tay, nước sát khuẩn,… Nếu bán mỹ phẩm, bạn có thể tặng tinh dầu sả, chanh, hoặc những sản phẩm giúp thanh lọc không khí,… Nếu kinh doanh ngành hàng F&B, quà tặng của bạn dành cho khách hàng nên là những thức uống giúp tăng sức đề kháng như trà chanh, nước detox,…
Vậy nếu lĩnh vực kinh doanh của bạn đang phải tạm ngừng hoạt động bởi dịch Covid-19 (ví dụ như: du lịch, khách sạn, hàng không,…) thì sao? Bạn hiện tại không có gì để bán. Thế thì thúc đẩy doanh số bằng cách nào? Thay vì bán hàng ở hiện tại, bạn có thể cung cấp các gói dịch vụ ở tương lai (ví dụ cuối năm nay hoặc hè năm sau) với ưu đãi giảm giá hấp dẫn và cho phép miễn phí đổi/trả/hủy vé. Điều này sẽ giúp xoa dịu sự nghi ngại của khách hàng và khuyến khích họ book vé ngay.
6. Tăng cường tương tác, hỏi ý kiến cộng đồng
Mỗi người sẽ có một thái độ khác nhau đối với khủng hoảng. Có người luôn muốn cập nhật và liên lạc thường xuyên với công ty bạn nhưng cũng sẽ có người ít quan tâm hơn. Vậy làm sao để biết cách quảng bá, giao tiếp nào hiệu quả nhất trong mùa dịch? Hãy hỏi xin ý kiến từ người dùng!
Để hiểu rõ hơn về những gì khách hàng thực sự muốn, Reformation (một thương hiệu thời trang nữ nổi tiếng ở Mỹ) đã gửi email đến những người đăng ký để thông báo về việc đóng băng tất cả các địa điểm bán lẻ của hãng. Đồng thời, cuối email, công ty còn kèm theo một ghi chú hỏi ý kiến khách hàng xem Reformation nên truyền thông gì lúc này. Nỗ lực này cho phép mở ra cuộc đối thoại giữa thương hiệu với khách hàng, giúp doanh nghiệp có được những bước đi đúng đắn hơn.
7. Đánh giá các khả năng và xây dựng nhiều kế hoạch truyền thông dự phòng khác nhau
Trong thời gian khủng hoảng, thị trường biến động, hành vi của người tiêu dùng liên tục thay đổi và doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rất nhiều thứ không thể ngờ tới. Do đó, bạn cần đánh giá thường xuyên các khả năng khác nhau có thể xảy ra do Covid-19 và lên kịch bản dự đoán hành vi thị trường trong ngắn hạn cũng như dài hạn để có các hoạt động tiếp thị phù hợp.
Đừng chỉ chuẩn bị một phương án duy nhất. Hãy lên nhiều kế hoạch dự phòng! Nếu dịch bệnh kéo dài đến cuối năm thì sao? Nếu chính phủ áp đặt thêm nhiều luật cấm để hạn chế lây lan dịch bệnh thì sao?…. Những dự đoán này sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc tái phân bổ ngân sách cho các hoạt động tiếp thị thiết yếu trong ngắn hạn.
8. Thay đổi linh hoạt sản phẩm/dịch vụ để phù hợp với tình hình
Nhiều công ty đang thay đổi những gì họ cung cấp để đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng trong thời điểm Corona lây lan.
KFC đưa ra cam kết đem đến cho khách hàng những bữa ăn ngon, an toàn tại nhà với dịch vụ giao hàng không tiếp xúc hoàn toàn miễn phí.
KFC đưa ra thông báo về giao hàng không tiếp xúc để đảm bảo an toàn cho khách hàng
Trong khi đó, các công ty thời trang thì chuyển sang in áo phông, vòng tay với các khẩu hiệu thời dịch bệnh như: Don’t cough on me, I survived Coronavirus, Wash your hands,… Thay vì đưa tin các hoạt động văn hóa, tờ thời báo New York lại có thêm mục xem gì, nghe gì và nấu gì trong thời gian tự cách ly.
Còn ALDI (chuỗi siêu thị của Đức với hơn 10.000 cửa hàng tại 20 quốc gia) cung cấp khung giờ mua sắm dành riêng cho người già, phụ nữ mang thai và bất kỳ ai có hệ thống miễn dịch dễ bị tổn thương bởi Covid-19. Đây là một bước đi khôn ngoan, vừa giúp duy trì doanh số, vừa thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đối với đại dịch toàn cầu.
Thông báo về khung giờ mua sắm dành riêng cho người già, những đối tượng dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh của ALDI
9. Chuẩn bị cho sự phục hồi nhanh chóng
Các chiến lược ngắn hạn có thể được áp dụng ngay bây giờ nhưng chuẩn bị cho tương lai cũng rất cần thiết. Một bài học từ các doanh nghiệp Trung Quốc là sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Corona có thể nhanh hơn chúng ta mong đợi. Chỉ 6 tuần sau khi bùng phát dịch, Trung Quốc dường như đã bắt đầu bước có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng.
Những gì bạn cần làm lúc này để chuẩn bị cho sự hồi phục là:
- Hãy tận dụng thời gian “chết” này một cách hiệu quả để suy nghĩ về các dịch vụ, phương hướng truyền thông mới sau khi dịch bệnh kết thúc. Khuyến khích nhân viên tham gia vào quá trình này để họ cảm thấy vẫn có giá trị đối với doanh nghiệp và hạn chế sự trì trệ.
- Đào tạo nội bộ, tổ chức các khóa học online giúp nâng cao kiến thức cho nhân viên, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực để phục vụ cho sự trở lại của doanh nghiệp sau đại dịch.
- Xây dựng một hệ thống tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho tương lai thay vì hiện tại.
- Củng cố mối quan hệ với các đối tác của bạn và hỗ trợ họ trong thời điểm thử thách này. Không chỉ giúp bạn yên tâm hơn về nguồn cung ứng, các đối tác cũng sẽ là một kênh tiếp thị tốt cho doanh nghiệp sau khi hồi phục.
Dịch bệnh Corona đang diễn biến hết sức phức tạp và khó đoán khi nào sẽ kết thúc. Nhưng dù thế nào thì việc tiếp thị vẫn là điều hết sức cần thiết trong thời điểm này. Với những gợi ý trên đây, Levica hy vọng bạn đã biết cách để biến chuyển chiến dịch marketing của mình sao cho “hợp thời” và hiệu quả hơn. Chúc bạn thành công!
Bạn vẫn chưa biết cách áp dụng như thế nào? Liên hệ Levica để được tư vấn thêm.