7 mô hình cửa hàng làm thay đổi diện mạo ngành bán lẻ truyền thống
Trong kỷ nguyên số với sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến, để thu hút khách hàng tới cửa hàng, nhiều hãng bán lẻ tìm cách mang lại cho họ những trải nghiệm khó thấy ở nơi khác.
Dưới đây là 7 mô hình cửa hàng hứa hẹn sẽ thay đổi bộ mặt ngành bán lẻ truyền thống trong tương lai, do CNN tổng hợp:
1. Cửa hàng bán lẻ không nhân viên
Đây là mô hình cửa hàng bán lẻ không nhân viên của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon. Tại đây, khách hàng đăng ký ở lối vào qua ứng dụng Amazon Go và tự do lựa chọn món đồ mình cần. Trong khi đó, Amazon sẽ tự động theo dõi các món hàng đó thông qua hệ thống ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và máy học.
Khi chọn đồ xong, khách hàng chỉ việc rời cửa hàng mà không cần xếp hàng thanh toán. Cửa hàng sẽ tự động trừ tiền trên tài khoản Amazon của họ.
2. Cửa hàng kết nối
Mô hình “cửa hàng kết nối” của Hãng bán lẻ thời trang trực tuyến Rebecca Minkoff là sự kết hợp giữa trang web bán hàng và mua sắm truyền thống. Với 3 địa điểm ở 3 thành phố Mỹ là New York, Los Angeles và San Francisco, các cửa hàng này được trang bị hệ thống gương thông minh. Với màn hình chạm, các gương này cho phép khách hàng lựa chọn kiểu dáng, màu sắc và kích cỡ. Những món đồ khách hàng lựa chọn được gửi tới một phòng thử đồ tương tác với các lựa chọn ánh sáng tuỳ chỉnh.
Ngoài ra, chiếc gương thông minh này cũng tự động nhận diện các món đồ nhờ công nghệ RFID và nắm được khách hàng đang thử gì. Nhờ đó, nó sẽ tự động giới thiệu các kích thước và màu sắc có sẵn trong cửa hàng mà khách hàng có thể yêu cầu chỉ bằng một cú chạm.
3. Cửa hàng “Holoroom How To”
Mô hình cửa hàng “Holoroom How To” của Hãng nội thất Lowe (Mỹ) ứng dụng công nghệ thực tế ảo để giúp khách hàng học cách tự lắp các món đồ gia dụng, ví dụ như lắp đặt vòi sen. Khách hàng được cầm các dụng cụ để có thể tự mình hoàn thành các công việc như vậy trong thế giới ảo.
Năm 2016, hãng này hợp tác với Microsoft cho phép khách hàng đeo thiết bị thực tế ảo Hololens để tự thiết kế một gian bếp mới.
4. Cửa hàng thu thập dữ liệu
Tại cửa hàng B8ta, các công ty trả phí để sản phẩm của họ được trưng bày tại đây. Đổi lại, B8ta sẽ thu thập dữ liệu về sự tương tác của khách hàng với các sản phẩm đó. Cửa hàng B8ta có 24 camera theo dõi việc bán hàng và thu thập thông tin về thói quen của khách hàng.
Công ty này cho biết các camera được lắp đặt ở vị trí dễ thấy khắp cửa hàng và dữ liệu thu thập đều là ẩn danh.
5. Cửa hàng với tùy chỉnh cá nhân
Tại một điểm bán hàng tại thành phố New York, Mỹ, Hãng thời trang thể thao Adidas sử dụng công cụ Run Genie để phân tích cách di chuyển của khách hàng và gợi ý loại giày chạy phù hợp nhất với chân họ.
Khách hàng cũng có thể tùy chỉnh các sản phẩm giày dép và quần áo thể thao theo ý thích cá nhân.
6. Cửa hàng gợi ý sản phẩm
Cửa hàng Sephora Studio của Hãng mỹ phẩm Sephora ở Boston (Mỹ) sử dụng thiết bị Color IQ để quét gương mặt của khách hàng và đưa ra gợi ý về loại phấn nền, son môi và phấn phủ phù hợp tông màu.
Cửa hàng này cũng có những công cụ như “Moisture Meter” (Đo độ ẩm) và kiểm tra “Skincare IQ” (chăm sóc da) để xác định loại da của khách hàng và đưa gợi ý cách chăm sóc.
Ngoài Sephora, Hãng mỹ phẩm Ulta Beauty cũng giới thiệu một robot có tên Madi tại các cửa hàng của mình trong chương trình hợp tác với thương hiệu thuốc nhuộm tóc Madison Reed. Khách hàng sẽ gửi một bức ảnh của mình cho Madi và trả lời vài câu hỏi, sau đó Madi sẽ gợi ý màu tóc phù hợp nhất cho họ.
7. Cửa hàng ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường
Năm ngoái, Hãng nội thất Ikea tung ra một ứng dụng dùng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) cho phép khách hàng xem trước hình ảnh các thiết bị nội thất được đặt trong nhà họ. Công nghệ này chiếu các hình ảnh kỹ thuật số của các thiết bị thực trên di động thông minh và có tầm nhìn rộng hơn bởi không cần tới thiết bị thực tế ảo.
* Nguồn: VN Economy