5 ví dụ về thương hiệu tận dụng tin tức năm 2019 (P2)
Ở Phần 1, chúng ta đã tìm hiểu về 3 ví dụ về cách sử dụng newsjacking của các thương hiệu lớn: Gin, Burger King, Aero Mexico. Trong phần này, Levica sẽ chia sẻ với bạn 2 ví dụ tiếp theo. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
#4. Gillette:”The Best Men Can Be”
Mục tin tức
Trong năm 2018 và 2019, phong trào #MeToo đã dẫn đến một số người đàn ông quyền lực và đáng tin cậy bị buộc tội hoặc phải chịu trách nhiệm cho những cáo buộc về tấn công và quấy rối tình dục. Những người đàn ông quyền lực bị phát sinh cáo buộc này bao gồm nhà sản xuất phim Harvey Weinstein và cựu đồng sáng lập Good Morning Amerca Matt Lauer.
Phong trào này được đánh dấu bởi xu hướng truyền thông xã hội #MeToo, được bắt đầu bởi nhà hoạt động dân quyền Tarana Burke. Phong trào này khuyến khích phụ nữ truyền bá nhận thức về việc tấn công, quấy rối tình dục và những hành vi đi ngược lại với các giá trị đạo đức bằng cách chia sẻ những câu chuyện kèm với hashtag #MeToo.
Thương hiệu tận dụng tin tức
Thương hiệu Gillette luôn tạo dấu ấn trên các sản phẩm của mình bằng dòng chữ “The Best a Man Can Get” muốn thay đổi quan điểm của mình về sự nam tính trong phong trào #MeToo. Để làm điều này, họ đã phát sóng một quảng cáo trong trận Super Bow đầy cảm xúc và đào sâu vào nam tính độc hại (toxic masculinity) và những khuôn mẫu tiêu cực của đàn ông.
Đoạn quảng cáo bắt đầu bằng hình ảnh những người đàn ông đang nhìn vào gương, với những đoạn báo cáo tin tức liên quan đến bắt nạt, nam tính độc hại và phong trào #MeToo. Khi quảng cáo chuyển sang một đoạn quảng cáo cũ của Gillette đang chiếu một người đàn ông mạnh mẽ, người kể chuyện đã hỏi rằng “Đây có thực sự là điều tốt nhất mà một người đàn ông có thể có hay không?” Trong lúc đó một cậu bé chạy xuyên qua màn hình chiếu quảng cáo cũ của Gillette để chạy trốn khỏi những cậu bé lớn hơn đang bắt nạt mình.
Đoạn quảng cáo tiếp tục cho thấy những khía cạnh khác của nam tính độc hại như những kẻ bắt nạt nam nói những từ như “FREAK!” có nghĩa là quái vật hay đồ đồng bóng. Chẳng hạn như một nam giám đốc chạm vào vai của một nữ nhân viên trong một cuộc họp và nói rằng “Tôi nghĩ cô ấy đang nói rằng…” và những đứa trẻ đang đánh nhau trong khi bố chúng nói “Boys will be boys” (nghĩa là con trai lúc nào cũng thế, ồn ào, bừa bãi, cư xử không tốt,…)
Đột nhiên, người kể chuyện nói “Something finally changed – and there will be no going back”, nghĩa là “Điều gì đó đã thay đổi và sẽ không trở lại như trước nữa” trong khi quảng cáo chiếu những clip về tin tức theo phong trào #MeToo.
Quảng cáo lên đến cao trào khi chiếu cảnh những người đàn ông tốt ngăn cản những đứa con của mình đánh nhau, đứng ra chống lại việc bắt nạt và một cảnh quay thực tế về một người cha đang nói với đứa con gái mới sinh của mình rằng “Con rất mạnh mẽ”.
Quảng cáo kết luận:
“We believe in the best in men. To say the right thing, to act the right way. Some already are in ways big and small. But ‘some’ is not enough. Because the boys watching today will be the men of tomorrow”. (Nghĩa là: Chúng tôi tin vào điều tốt nhất ở đàn ông. Nói đúng, làm đúng. Một số người đã thực hiện theo cách này hay cách khác. Nhưng “một số” là chưa đủ. Bởi vì những cậu bé đang nhìn hôm nay sẽ là những người đàn ông trong tương lai.”)
Trong khi quảng cáo nhấn mạnh vào một vấn đề gây tranh cãi và để cho mọi người có quan điểm tiến bộ về điều đó, nó vẫn nhận về một số ý kiến trái chiều về tính chất nhạy cảm của nội dung đề cập đến. Mặc dù nhận về cả những đánh giá tích cực lẫn tiêu cực, điều quan trọng là những nhà tiếp thị có thể nhờ vào đó để học hỏi thêm về ưu điểm cũng như nhược điểm của chiến lược Newsjacking.
Nhiều người xem quảng cáo và cảm thấy Gillette đang liều lĩnh khi dựa vào một phong trào nhạy cảm để mang lại lợi ích cho thương hiệu của họ.
“Một phần trong động cơ chạy quảng cáo này của Gillette có thể là do có một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng thế hệ Millennials (những người trẻ sinh năm từ 1980-1998 sẽ tạo nên 75% lực lượng lao động vào năm 2025) dành nhiều sự tin cậy hơn cho các thương hiệu có trách nhiệm xã hội doanh nghiệp” trong một bài đăng của Forbes.”Trong trường hợp này, có vẻ như Gillette sẽ học được một bài học về cái gì không nên làm liên quan đến nỗ lực trách nhiệm doanh nghiệp.”
Trong khi đó, nhiều người vẫn tin rằng đó là một bước đi chắc chắn trong lĩnh vực tiếp thị.
Ví dụ, trong một bài đăng của Wired đã nói rằng quảng cáo này là “một dấu hiệu tiến bộ không thể phủ nhận” bất chấp phản ứng dữ dội của nó.
“Một lần nữa, đất nước đang bị chia cắt. Lần này, chúng ta không phải bị chia cắt bởi một bức tường hay một đề nghị chăm sóc sức khỏe được điều khiển bởi hoạt hình mà là bởi một quảng cáo trực tuyến về dao cạo râu của nam giới”. Bài báo của Wired viết: “Nhưng ẩn sau cuộc tranh cãi là một thứ quan trọng hơn nhiều, đó là dấu hiệu của sự thay đổi thật sự.”
Nói chung, điều quan trọng là phải xem xét cả ưu điểm và nhược điểm của ví dụ này. Mặc dù quảng cáo của Gillette có chất lượng cao, hợp lý và mang lại cảm xúc cho người xem nhưng có một điều quan trọng cần phải nhớ, rằng đây là một công ty lớn đang nhắm đến sự thành công ở một xã hội đã khác nhiều so với xã hội cách đây hàng thập kỉ – khi mà công ty này được thành lập.
#5. Oreo’s Area 51 Tweet
Mục tin tức
Vào mùa thu năm 2019, những người dùng phương tiện truyền thông xã hội đã xôn xao về một kế hoạch kì lạ nhằm đột kích khu vực 51 – một căn cứ cấp cao của chính phủ được các nhà lý luận theo học thuyết âm mưu cho rằng là nơi nghiên cứu những sự vật và hiện tượng ngoài Trái đất.
Thương hiệu tận dụng tin tức
Oreo đã lên Twitter và đùa rằng: “Bạn nghĩ họ đang giấu điều thú vị gì ở trong #Area51?” Hàng ngàn người dùng và thậm chí cả những thương hiệu đã vào trả lời và chia sẻ tweet này.
Đây là một ví dụ tuyệt vời về một thương hiệu có đủ khả năng và sự nhanh nhạy trong việc nhắc đến các tin tức thời sự hay các chủ đề đang được quan tâm để thu hút sự tham gia, quan tâm và tăng độ phủ sóng trên mạng lưới xã hội. Chưa kể đến, Oreo còn ngay lập tức được mọi người thảo luận về hương vị tuyệt vời của Oreo trên Twitter.
Trong khi những thương hiệu khác trong danh sách này sử dụng quảng cáo và ngân sách cao để thực hiện chiến lược thương hiệu tận dụng tin tức thì Oreo đã cho chúng ta thấy rằng, việc áp dụng chiến lược này không hề phức tạp, tốn thời gian hay tốn kém.
Những điều cần phải nhớ về chiến lược “Newsjacking” trong năm 2020
Với các phương tiện truyền thông xã hội và tin tức trực tuyến có nhịp độ nhanh được cập nhật đến từng giây thì các nhà tiếp thị ngày càng có nhiều cơ hội để nắm bắt tin tức.
Nhưng trước khi bạn cố gắng đưa tin, hãy dành thời gian để xem mục tin tức và đảm bảo rằng chiến lược của bạn sẽ có đủ thông tin và sự tinh tế thay vì gây nên sự khó chịu cho người đọc. Ví dụ, nếu bạn dùng một thái độ hài hước để nhắc đến một xu hướng kì quái như cuộc đột kích Khu vực 51 (the Area 51 raids), bạn sẽ được mọi người nghĩ là hài hước và khó quên. Tuy nhiên, nếu như bạn đăng một quảng cáo không nhạy cảm hoặc bình luận về một chủ đề gây tranh cãi, chẳng hạn như nhập cư, bạn sẽ không được ai quan tâm đến.
Khi bạn tạo ra một chiến lược thương hiệu tận dụng tin tức sáng tạo, hãy đảm bảo rằng các thành viên khác trong nhóm tiếp thị của bạn sẽ thực hiện nó và nhận về những phản hồi để chắc chắn rằng nội dung của bạn không bị thất bại.
Levica lược dịch từ hubspot.com