Chiến dịch marketing đều nhắm đến mục tiêu tăng doanh thu. Do đó tỷ lệ chuyển đổi (Conversion Rate) là một yếu tố “sống còn” đối với doanh nghiệp. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn đổ tiền và ra sức để SEO lên top, gia tăng lượng traffic cho website nhưng lại chỉ nhận được lèo tèo vài ba đơn hàng. Vậy mấu chốt vấn đề ở đây là gì? Dưới đây là các giải pháp tăng tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate) cho website, giúp bạn nâng cao doanh thu hiệu quả.
1. “Mời gọi khách hàng” một cách hấp dẫn và rõ ràng
Tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate) phụ thuộc rất lớn vào các giá trị mà bạn mang đến cho khách hàng. Nếu chỉ có 10 từ để giải thích tại sao người dùng nên mua sản phẩm từ website của bạn thay vì đối thủ cạnh tranh thì bạn sẽ nói gì?
Rất nhiều marketer cố gắng cải thiện CR (Conversion Rate) bằng cách thay đổi giao diện web từ màu sắc, thiết kế, cỡ chữ cho đến định dạng nút, hình ảnh v.v… nhưng lại quên mất bước đầu tiên cần tập trung đó là tăng cường các đề xuất giá trị hấp dẫn và rõ ràng cho người dùng.
Liệt kê về tính năng sản phẩm là đứng về quan điểm của người bán, chưa đủ để hấp dẫn người dùng. Bạn cần nhấn mạnh về giá trị mà sản phẩm có thể mang lại cho khách hàng. “Tôi sẽ nhận được những giá trị lợi ích gì sau khi mua sản phẩm này? Tại sao tôi cần mua nó ở đây mà không phải từ một nơi nào khác?” là những câu hỏi mà người tiêu dùng thường tìm kiếm câu trả lời trước khi ra quyết định mua hàng.
Vậy làm sao để tạo nên một đề nghị hấp dẫn khiến người dùng phải “xiêu lòng”? A/B testing!
Muốn có được lời đề xuất giá trị đáng tin cậy và hiệu quả, không còn cách nào khác ngoài việc thử nghiệm. Bạn cần thử nghiệm nhiều lần qua phương pháp A/B Testing để tìm ra một kết quả tối ưu nhất, đảm bảo nó khác biệt so với lời chào mời của đối thủ.
2. Xây dựng phễu bán hàng
Đôi khi lý do khiến cho tỷ lệ chuyển đổi thấp đến từ sự vội vàng khi yêu cầu người dùng đăng ký, bán hàng của bạn. Nhiều người vào website của bạn có thể chỉ là để “ngắm nghía” chứ không phải muốn mua sắm hay đăng ký ngay lập tức. Vậy nên hãy cho người dùng có đủ thời gian chuẩn bị tâm lý trước khi đi đến quyết định chuyển đổi.
Đối với loại hình dịch vụ, sản phẩm phức tạp và trị giá cao như phầm mềm, khóa học trực tuyến, đôi khi bạn cần phải cung cấp bản giới thiệu hoặc dùng thử trước khi yêu cầu người dùng đăng ký hoặc mua hàng. Điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể conversion rate.
Tuy nhiên trong một số trường hợp khác, điều bạn cần làm đó là kiềm chế sự nôn nóng muốn bán được hàng của bản thân và xây dựng một phễu bán hàng để củng cố lòng tin và phát triển mối quan hệ với người dùng.
Ví dụ:
Bạn có sản phẩm là “Một khóa học về content marketing”. Đây là cách mà bạn có thể tăng tỷ lệ chuyển đổi (Conversion Rate) cho sản phẩm này:
Nhu cầu của khách hàng:
Học về kỹ năng làm content marketing
Mong muốn của bạn:
Đăng ký tham gia khóa học của bạn
Bạn cần làm gì?
- Cung cấp những cách làm content marketing hiệu quả thông qua blog, video, infographic,…
- Đưa ra các lời khuyên hữu ích cho người dùng
- Đề nghị khách hàng đăng ký địa chỉ email để nhận các tài liệu miễn phí
- Tặng các tài liệu, video khóa học demo thông qua địa chỉ email
- Cuối cùng gửi cho người dùng thông tin về khóa học đầy đủ và đề xuất đăng ký
3. Hạn chế thuật ngữ
Nếu là một giáo sư thì những diễn giải bằng thuật ngữ chuyên ngành sẽ có thể khiến bạn trông uyên bác hơn nhưng thật tiếc, đây là nơi để bán hàng chứ không phải là giảng đường. Bạn cần viết để tất cả mọi người đều có thể đọc và hiểu được. Do đó, hãy đưa ra những content marketing, thông điệp thật rõ ràng, súc tích và đơn giản.
4. Tạo dựng lòng tin
Zig Ziglar đã từng tuyên bố rằng có 4 lý do khiến cho người tiêu dùng không quyết định mua hàng, đó là: không cần, không có tiền, không gấp và không tin tưởng.
Bạn không thể làm gì với 3 lý do đầu tiên nhưng bạn hoàn toàn có thể tạo dựng lòng tin cho khách hàng. Vậy điều gì sẽ khiến người dùng tin tưởng vào 1 website nào đó?
Khi ghé thăm website của bạn thì giao diện thiết kế chính là điều mà người dùng chú ý đầu tiên. Hãy chú ý đến cách bố trí, font chữ, hình ảnh trên web để tạo nên sự đồng bộ và chuyên nghiệp.
Một sự hỗ trợ từ bên thứ 3 như các đánh giá tích cực của khách hàng, chứng thực từ giới chuyên môn, bài viết từ những nguồn nổi tiếng,… cũng sẽ khiến trang web của bạn trông đáng tin cậy hơn. Ngoài ra, bạn cũng cần cập nhật thông tin website thường xuyên để người dùng biết nó đang “tồn tại”.
Đặc biệt, bạn không nên đưa ra các quảng cáo quá thổi phồng khi viết bài về tính năng, công dụng của sản phẩm/dịch vụ. Điều này sẽ khiến khách hàng dễ liên tưởng với những chiêu trò lừa đảo và hoài nghi về thương hiệu của bạn.
5. Đưa ra Call To Action hợp lý
Thông thường có 2 kiểu Call To Action hay được sử dụng:
- Nút kêu gọi
- Lời kêu gọi bằng text
Có rất nhiều cách để tạo nên một lời kêu gọi hành động gây ấn tượng cho khách hàng. Bạn nên dùng những động từ mạnh, thúc dục, có tính kêu gọi cao như: “Đăng ký ngay”, “Get started now”, “Grab a seat”,…
Hoặc có thể sử dụng Call To Action bằng các cụm từ tạo cảm giác giới hạn về mặt thời gian, số lượng ví dụ như: “Limited Time” (thời gian han chế), “Limited Edition” (xuất bản số lượng hạn chế), “Today 50% off” (giảm 50% chỉ trong hôm nay),… để thôi thúc người dùng thực hiện hành động chuyển đổi vì sợ bỏ lỡ mất cơ hội tốt.
6. Tăng cường sự tương tác từ mạng xã hội
Niềm tin có ảnh hưởng đến đến quyết định chuyển đổi của khách hàng. Và mạng xã hội giúp bạn tạo dựng niềm tin qua việc tăng tính tương tác giữa thương hiệu với người dùng mục tiêu. Hãy thử đặt các nút bấm mạng xã hội trên website của mình ở nơi mà người dùng dễ dàng nhìn thấy. Điều này cho phép người dùng dễ dàng tương tác, đăng ký, mua hàng thông qua tài khoản facebook, google+,…đồng thời cũng giúp các nội dung content marketing của bạn trên website lan truyền trong cộng đồng mạng nhanh hơn.
7. Xây dựng bước mua hàng đơn giản, nhanh chóng
Khi người dùng quyết định click vào nút vàng “Đồng ý chuyển đổi”, bạn nghĩ rằng đã có thể thở phào nhẹ nhõm? Nhưng không! Sẽ thế nào nếu sau khi người dùng bấm vào “Mua ngay” lại gặp phải hàng loạt bước, điều khoản mua hàng nhiều khê? Chắc chắn bạn sẽ mất đi một lượng lớn khách hàng chỉ vì những quy định rối rắm đó.
Hãy tìm cách để người dùng có thể mua hàng trong vòng từ 1 đến 2 phút thông qua những bước thanh toán đơn giản mà không cần cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân.
Đặc biệt, nếu không thật sự cần thiết, đừng bao giờ buộc người dùng đăng ký để được mua hàng. Đa số mọi người muốn làm 1 “vị khách vãng lai” dạo chơi trong web hơn là đăng ký ràng buộc. Nếu muốn khuyến khích đăng ký, bạn hãy “gợi mở” cho người dùng về những tính năng, lợi ích tuyệt vời khi trở thành thành viên như: tặng voucher, ưu đãi giảm giá, chính sách điểm thưởng,…
Có rất nhiều kỹ thuật giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi (Conversion Rate) và trên đây chỉ là 7 “tuyệt kỹ” trong số đó. Nếu muốn biết thêm các kiến thức về content, digital marketing,… bạn có thể đọc thêm các bài viết khác của Levica trong “How to Marketing” hoặc comment trực tiếp bên dưới bài viết để được chúng tôi giải đáp. Chúc bạn thành công!
0 comments
Write a comment