Dịch bệnh Corona đang diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Trường học đóng cửa, các sự kiện bị hủy bỏ, nhiều hoạt động từ sản xuất đến dịch vụ bị đình trệ,…
Vậy giữa tâm bão khủng hoảng đó, doanh nghiệp nên đóng băng toàn bộ hoạt động để “bảo toàn ngân sách” hay tiếp tục duy trì các kế hoạch marketing? Điều gì sẽ tốt hơn trong thời điểm nhạy cảm này? Để biết được chính xác câu trả lời, hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây của Levica.
Người tiêu dùng nghĩ gì về hoạt động marketing trong thời kỳ Corona?
Bất kể hoạt động marketing nào muốn đạt được thành công đều cần đặt khách hàng vào vị trí trọng tâm. Vậy trong thời điểm dịch bệnh bùng phát như hiện nay, bạn có biết người tiêu dùng đang suy nghĩ gì về các hoạt động tiếp thị hay không? Họ có muốn nhìn thấy quảng cáo từ doanh nghiệp không?
Trong một cuộc khảo sát với hơn 35.000 người tiêu dùng trên toàn cầu của Kantar (một công ty con của WPP plc hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn và tầm nhìn thị trường, có trụ sở tại London), chỉ 8% số người được hỏi nghĩ rằng các thương hiệu nên ngừng quảng cáo do sự bùng phát của Covid-19.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra một số insight nổi bật của người tiêu dùng đối với chiến dịch marketing trong thời kỳ này:
- 78% người tiêu dùng hy vọng các thương hiệu sẽ đưa ra nội dung, thông tin giúp ích cho cuộc sống hằng ngày của họ.
- 75% nói rằng các thương hiệu nên thông báo cho mọi người biết về những gì mà công ty đang làm.
- Hầu hết người tiêu dùng cho rằng các công ty nên sử dụng giọng điệu trấn an và đưa ra một viễn cảnh tích cực khi truyền đạt giá trị thương hiệu.
- Người tiêu dùng cũng mong muốn nhìn thấy bằng chứng rõ ràng chứng minh các thương hiệu đang hỗ trợ tốt cho nhân viên, chính phủ và khách hàng. Gần 80% cho rằng sức khỏe của nhân viên nên là ưu tiên chính của các công ty trong thời điểm hiện tại.
- Khoảng 45% người tiêu dùng muốn thấy các công ty đưa ra kế hoạch đảm bảo nguồn cung ứng dịch vụ/sản phẩm.
- Hơn 40% muốn thấy các công ty quyên góp sản phẩm hữu ích (như nước khử trùng, khẩu trang,…) cho cộng đồng.
- Chỉ 30% muốn thấy thương hiệu cung cấp giảm giá, khuyến mãi và 19% muốn các công ty thiết lập trung tâm hỗ trợ để trả lời các truy vấn của khách hàng (Con số này cho thấy hầu hết người tiêu dùng hiểu được hoàn cảnh khó khăn mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt hiện nay).
Như vậy, từ số liệu này có thể kết luận rằng đa số người tiêu dùng vẫn muốn được nhìn thấy quảng cáo/chiến dịch marketing từ các công ty trong thời gian dịch bệnh. Và điều mà họ mong chờ thương hiệu thực hiện đó là: truyền tải các giá trị tích cực, hữu ích cho cuộc sống, đồng thời thể hiện sự quan tâm/trách nhiệm đối với nhân viên, xã hội trong tình hình dịch bệnh.
Marketing trong mùa dịch – Có thật sự cần thiết hay không?
Chúng ta đã hiểu được những gì người tiêu dùng mong muốn trong thời điểm hiện tại. Vậy câu hỏi đặt ra là: “Với tình hình kinh doanh bị đình trệ, ngân sách eo hẹp thì việc duy trì các hoạt động marketing có thật sự cần thiết?”
Câu trả lời là có. Và đây là lý do:
Theo dữ liệu từ Kantar, việc ngừng hoàn toàn hoạt động tiếp thị có thể gây bất lợi lâu dài cho thương hiệu. Nhóm nghiên cứu của Kantar đã làm cuộc thử nghiệm đối với một thương hiệu bia (giấu tên) trên thực tế. Kết quả cho thấy nếu thương hiệu cắt giảm tất cả chi phí quảng cáo trong cuộc khủng hoảng thì điều này sẽ tác động đến 13% doanh số về lâu dài và khiến thị phần khó hồi phục. Tuy nhiên, nếu cắt giảm 50% ngân sách quảng cáo thì công ty chỉ giảm 1% doanh số.
Dữ liệu từ BrandZ (một cơ sở dữ liệu được quản lý bởi công ty tiếp thị Millward Brown, chứa thông tin của hơn 650.000 người tiêu dùng, chuyên gia trên 31 quốc gia và hơn 23.000 thương hiệu) cho thấy sau vụ khủng hoảng tài chính 09/2008, các công ty xây dựng thương hiệu mạnh hơn đã phục hồi nhanh hơn gấp 9 lần so với những hãng khác trên thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, theo nhận định của Jane Ostler – chuyên gia truyền thông toàn cầu của Kantar Insights: “Sức khỏe của thương hiệu sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn khi các công ty ngừng quảng cáo, marketing. Nếu công ty dừng hoạt động tiếp thị lâu hơn 6 tháng, họ sẽ phá vỡ sức mạnh thương hiệu cả trong ngắn hạn và dài hạn.”
Thay vì đóng băng tất cả các hoạt động quảng cáo, tiếp thị, Jane Ostler khuyên các thương hiệu nên biến chuyển phương thức truyền thông, đổi mới các điểm chạm khách hàng (Customer Touchpoints – điểm tương tác giữa thương hiệu và khách hàng) để đảm bảo người tiêu dùng có được thông tin mà họ quan tâm một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất.
Cơ hội marketing trong đại dịch
Không chỉ cần thiết, marketing trong thời dịch bệnh còn có nhiều tiềm năng để phát triển. Tiến sĩ Clāra Ly-Le, Giám đốc điều hành của EloQ Communications cho rằng bên cạnh các thách thức, dịch bệnh Covid-19 cũng mang lại nhiều cơ hội để doanh nghiệp có thể “tự lăng xê”, tạo ra các giá trị tuyệt vời cho thương hiệu của mình.
Bạn có thể mong đợi gì từ những nỗ lực tiếp thị của mình trong khoảng thời gian này? Hãy cùng xem nào:
- Nâng cao sức mạnh thương hiệu lên gấp nhiều lần
Đại dịch Covid-19 đã hằn sâu trong tâm thức (top of mind) của rất nhiều người và dẫn đầu các kết quả tìm kiếm thông tin ở thời điểm hiện tại (Google hiển thị 614.000.000 kết quả tìm kiếm liên quan đến Corona chỉ trong 0,48 giây). Do đó, nếu doanh nghiệp đưa hoạt động của mình theo dòng sự kiện này thì sẽ nhận được sự được quan tâm, khuếch đại (amplify) lên nhiều lần so với thông thường.
- Dẫn trước các đối thủ cạnh tranh
Bất cứ điều gì bạn làm bây giờ mà đối thủ cạnh tranh không làm đều giúp bạn vượt lên phía trước. Hãy nghĩ về nó như một cuộc đua. Ngay cả khi cắt giảm ngân sách cho marketing và quyết định chạy chậm lại thì bạn vẫn có thể chiến thắng những ai đang đứng yên một chỗ.
- Khai thác lượng khách hàng sẵn sàng mua ngay, chuyển đổi doanh thu nhanh chóng
Nhiều doanh nghiệp đang tạm thời đóng cửa do Covid-19. Điều này làm thu hẹp các lựa chọn của người tiêu dùng về nơi họ có thể mua hàng hóa/dịch vụ. Vì vậy, nếu bạn đang mở cửa, hãy cho mọi người biết!
Tiếp tục hoạt động marketing trong thời gian diễn ra dịch bệnh corona đơn giản là một hành động thông báo cho khách hàng có nhu cầu biết rằng: Bạn vẫn đang ở đây và sẵn sàng cung cấp sản phẩm/dịch vụ như bình thường. Việc này sẽ giúp bạn nâng cao doanh số và tưới nước cho dòng tiền đang khô cạn của mình.
Để tìm hiểu kỹ hơn về các chiến dịch marketing hiệu quả trong mùa dịch bệnh, mời bạn đọc thêm bài viết:
9 tip để xây dựng chiến dịch marketing thời Corona hiệu quả (P1)
9 tip để xây dựng chiến dịch marketing thời Corona hiệu quả (P2)
Bạn vẫn chưa biết cách áp dụng như thế nào? Liên hệ Levica để được tư vấn thêm.