Tag: cách làm video marketing

chi phí sản xuất video marketing
Digital Marketing, Kinh nghiệm marketing

Tất Tần Tật Về Chi Phí Sản Xuất Video

Câu hỏi đầu tiên mà ai cũng nghĩ đến khi có ý định làm video chính là “Sẽ tốn bao nhiêu tiền?“ Và mọi người thường nghĩ rằng cách tốt nhất để tính chi phí sản xuất video chính là khi bạn sản xuất số lượng video nhiều hơn thì chi phí sẽ ít hơn. Thế nhưng, đây lại là suy nghĩ không đúng.

Trong khi có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chi phí làm video (như trang thiết bị, nhân sự, v.v) thì việc tiết kiệm tiền, bằng cách làm những video có nội dung kém chất lượng, không phải là giải pháp. Thay vào đó, bạn nên dùng cùng một nguồn kinh phí đó để làm ít video hơn nhưng đó nên là những video có chất lượng và mang lại hiệu quả. Làm ra hàng tá video chất lượng thấp có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu của bạn. Trong khi đầu tư vào chất lượng có thể làm ra được nội dung có tính trường tồn và tạo nên giá trị cho công ty.

Chất lượng hơn số lượng

Có hàng tỷ giờ nội dung video trên internet và hàng tỷ nữa đang được tải lên mỗi ngày nhưng đáng buồn là hầu hết video đó lại có chất lượng thấp. Vì vậy, với lượng lớn nội dung mà người dùng xem hàng ngày như vậy khiến cho việc để lại ấn tượng càng trở nên khó hơn.

Điều này có thể khiến bạn suy nghĩ là có nên đầu tư để sản xuất video hay không. Nhưng thật ra là có đấy – chỉ cần đó là video chất lượng tốt và nội dung có giá trị. Một video tốt luôn mang tính truyền đạt tốt hơn nhiều so với ngôn ngữ và hình ảnh. Cho dù bạn làm việc cho một công ty truyền thông hay một thương hiệu nào đó thì video là phương tiện quyền năng và quan trọng mà bạn nên đầu tư vào. Chỉ cần đầu tư kinh phí một cách sáng suốt, tập trung vào những nội dung nguyên bản, được sáng tạo bởi đội ngũ chuyên nghiệp và bằng các thiết bị chuyên dụng.

May mắn là chúng ta đang ở trong thời kỳ hoàng kim của video. Chi phí cho các trang thiết bị sản xuất video đang giảm dần trong khi số lượng những nhà làm phim tự do tài năng và các công ty sản xuất đang tăng lên. Và trong lúc này đây, ngày càng nhiều khách hàng và các nhà đầu tư ở các công ty B2B thay đổi thói quen mua sắm của mình thông qua việc xem các nội dung video. Theo khảo sát của Wyzowl, 79% người tiêu dùng thích tìm hiểu về sản phẩm thông qua video hơn là bài viết. Và 84% người tiêu dùng bị thuyết phục mua sản phẩm sau khi xem video. Điều này có nghĩa là bạn đã có thể thấy được lợi ích tích cực của việc đầu tư kinh phí vào sản xuất video rồi đấy.

Tất nhiên, trừ khi bạn muốn làm ra video chất lượng thấp để làm hỏng hình ảnh thương hiệu của mình thì cái đó không tính. Brightcove đã thu thập một số thống kê về việc sử dụng video chất lượng thấp sẽ có tác động tiêu cực đến doanh nghiệp. Họ phát hiện ra rằng 62% người tiêu dùng có nhận thức không hay về thương hiệu sau khi trải nghiệm video chất lượng kém, trong khi 60% không muốn tương tác với thương hiệu và 23% ngần ngại khi mua hàng. Trên thực tế, việc sản xuất một video chất lượng thấp thực sự tồi tệ hơn là không sản xuất video nào cả. Một video rẻ tiền sẽ làm cho thương hiệu của bạn trông có vẻ rẻ tiền hơn.

Brightcove

Khi nói đến việc sản xuất video, bạn cần chú ý đến chất lượng, không phải số lượng hay diễn viên trong video. Một video là cả một sự đầu tư nhưng sản phẩm này mang tính chất trường tồn và có thể sinh được lợi nhuận cho bạn. Cho dù bạn đang làm video đồ hoạ ngắn, một phim tài liệu ngắn nói về thương hiệu, hoặc một mẫu tin thì mỗi video đều là một câu chuyện của riêng bạn. Và mỗi câu truyện này đều phải có hình ảnh, nhân vật, tính cách và lời thoại đặc sắc. Do đó, nó đòi hỏi kinh phí sản xuất cao. Nhưng nếu bạn nhận được lượng tương tác tốt từ những video này thì bạn có thể “lấy lại vốn” cho kinh phí sản xuất chỉ trong vòng vài tháng sau đó.

Ví dụ như thế này, nếu bạn bỏ ra 20.000 đô để làm một video tiếp thị trực tuyến thì nó có thể sử dụng được trong vòng 3 đến 5 năm. Điều đó có nghĩa là kinh phi cho video của bạn trung bình là khoảng 4.000 tới 7.000 đô một năm. Trong những năm đó, video tiếp thị này sẽ giúp bạn tăng lợi nhuận, tăng tương tác với khách hàng, tăng sự tín nhiệm với khách hàng, cũng như tăng nhận diện thương hiệu. Những nghiên cứu cho thấy rằng việc nhúng video trên trang đích (landing page) có thể tăng tỷ lệ chuyển đổi lên 80%. Đối với việc tiếp thị thông qua email, video có thể tăng tỷ lệ mở lên 19% và tỷ lệ nhấp lên 65%. Đính kèm video lên trang chủ của bạn cũng sẽ làm tăng thứ hạng trên bảng xếp hạng của Google, và cũng sẽ giúp cho cho sản phẩm của bạn xuất hiện trên trang đầu khi người dùng tìm kiếm trên Google.

Tubular Insights đã lý giải về những video đồ họa ngắn dùng để tiếp thị như sau: “Khi bạn bỏ tiền ra để mua một video tiếp thị, bạn không chỉ bỏ tiền để mua một video, mà bạn còn mua cả một quá trình kỳ công phía sau. Có thể nói thằng ra là nếu bạn bỏ tiền ra thuê một công ty chỉ vì họ báo giá “rẻ”, thì không may vì bạn sẽ nhận được chính những gì mà bạn đã bỏ ra … một video trông rẻ tiền và không hề mang lại tỷ lệ chuyển đổi nào cả.”

Tuy vậy, chiến lược dùng video chất lượng cao không chỉ áp dụng cho video tiếp thị, mà còn cho nhiều loại khác nữa. Nếu bạn là công ty chuyên sản xuất video hay các nhãn hàng chú trọng về video thì bạn nên đầu tư kinh phí một cách hợp lý, như là thuê những nhà làm phim tự do, đầu tư trang thiết bị và cơ sở hạ tầng. Đừng chi quá nhiều và cũng đừng quá tiết kiệm hay lãng phí tiền của vào những video chất lượng kém.

Vậy làm Một Video Tốn Bao Nhiêu Tiền?*

*Ghi chú: Mức phí tham khảo ở thị trường Mỹ.

Câu trả lời ngắn nhất là “tùy”. Tuy sản xuất video tốn kém hơn làm các nội dung truyền thông khác nhưng đây thường là cách hiệu quả nhất. Với video, bạn sẽ lấy lại những gì bạn đã đầu tư vào. Vậy nếu bạn muốn làm video quảng cáo chất lượng cao mà chỉ muốn bỏ ra 2.000 đô thì bạn sẽ không thể có được thứ mà bạn muốn đâu. Và nếu bạn muốn người dùng xem nhiều thì bạn phải tạo ra những video có chất lượng xứng đáng.

Có hàng tá các yếu tố trong việc định giá một video. Một quảng cáo được sản xuất bởi Apple có thể tiêu tốn lên tới 500.000 đô, hoặc một đoạn phim tài liệu ngắn giới thiệu thương hiệu có thể tốn 5.000 đô. Chi phí cho việc sản xuất video lệ thuộc vào loại video mà bạn cần, địa điểm, đội ngũ nhân sự, trang thiết bị, diễn viên, lượng công việc chuẩn bị trước khi đi vào sản xuất, công việc chỉnh sửa hình ảnh, âm thanh, khâu chuẩn bị sau sản xuất, và nhiều thứ khác nữa. Cách tốt nhất để ước tính ngân sách hoặc nhận biết được báo giá như thế nào là chính xác từ một bên thứ ba là hãy viết ra cho được kịch bản của video đó. Đưa ra một bảng chi tiết ngắn gọn về thời điểm, địa điểm, cái gì cần, tại sao cần và cách để sản xuất ra video mà bạn muốn.

Một kịch bản tốt sẽ giúp bạn phác thảo được mục tiêu của video và xác định phạm vi của dự án đó. Nó cũng sẽ giúp bạn tìm được cách tốt nhất để sản xuất theo ngân sách bạn đang có. Bạn có thể gửi kịch bản cho vài bên sản xuất video và so sánh bảng giá của họ. Dù bằng cách nào đi chăng nữa thì hãy chắc rằng công ty mà bạn chọn hợp tác phải làm ra được những mẩu video chất lượng cao và có kinh nghiệm trong việc làm ra được video như ý muốn.

Chi Tiết Chi Phí Sản Xuất Video và Cách Tiết Kiệm

Nếu bạn đang tìm câu trả lời chi tiết về chi phí sản xuất video thì bạn cần cân nhắc các yếu tố sau:

Loại Video:

Chi phí sản xuất video phụ thuộc vào loại video mà bạn muốn sản xuất. Một Video đồ hoạ giới thiệu về doanh nghiệp sẽ có yêu cầu về kỹ năng sản xuất khác với video quảng cáo theo kiểu điện ảnh với sự góp mặt của những diễn viên nổi tiếng. Bạn cần video có chất lượng càng cao, thì bạn càng phải chi nhiều tiền.

Thời Lượng:

Trừ khi ban muốn làm một bộ phim dài tập, còn đối với những video ngắn thì yếu tố thời lượng không ảnh hưởng nhiều đến chi phí sản xuất. Cho dù bạn muốn làm một video dài chỉ 5 phút thì trang thiết bị và nhân lực cũng vẫn vậy, không thay đổi và điều này cũng không ảnh hưởng nhiều đến khâu hậu kỳ trừ khi video này cần phải cắt ghép nhiều.

Khâu chuẩn bị trước khi sản xuất:

Những khâu chuẩn bị trước khi đi vào sản xuất như viết kịch bản, khảo sát địa điểm, xin giấy phép, lên lịch quay, có thể mất nhiều thời gian và cả tiền bạc. Và nếu có thay đổi trong kịch bản, thì kinh phí sản xuất cũng sẽ bị thay đổi theo. Khi đã có sẵn nguồn lực thì bạn nên tự chuẩn bị phần kịch bản rồi nếu được thì nhờ bên công ty sản xuất góp ý. Hoặc nếu bạn không có đội ngũ thì nhiều nhà sản xuất cũng đi kèm dịch vụ này trong gói sản xuất của họ.

Nếu cần phải đi khảo sát địa điểm để quay, bạn cũng phải chuẩn bị về thời gian và chi phí đi lại cho cả đoàn. Bạn có thể tiết kiệm được khoảng này nếu thuê những người địa phương, sống ở nơi mà bạn muốn quay, vì họ sẽ nắm rõ chỗ nào có thể quay được. Khâu chuẩn bị càng phức tạp chừng nào thì kinh phí sẽ càng tăng chừng đó.

Đoàn làm phim:

Chi phí của đoàn làm phim phụ thuộc vào khu vực, thị trường, trang thiết bị và kinh nghiệm của họ. Nếu bạn cần những chuyên viên kỹ thuật và những trang thiết bị đặc thù, như là máy quay 360 độ thì sẽ tốn kém hơn.

Mức lương cho những vị trí sáng tạo này khá đa dạng, nhưng sau đây là mức lương cơ bản cho những vị trí cơ bản:

· Documentary DP (Director of Photography): 400-1.200 đô

· Documentary DP (Director of Photography): 650-2.000 đô

· Trọn gói dịch vụ sản xuất phim: 1.500-300.000 đô (cố định)

· Drone Operator: 500-1.400 đô

· Commercial Video Editor: 400-1.000 đô

· Motion Graphics Editor: 600-30.000 đô (cố định)

· Kỹ thuật viên âm thanh: 300-700 đô

· Gaffer: 300-600 đô

Grip: 200-600 đô

Mức lương cho một drone operator căn bản là từ 500 – 1.400 đô

Việc thuê diễn viên, người dẫn chương trình sẽ tốn thêm và bạn nên thêm khoảng đó vào luôn trong kinh phí sản xuất. Nhưng đó là khi bạn quay quảng cáo phát trên TV, nếu không thì cũng không cần phải thuê những người ấy đâu. Đối với video dạng phim tài liệu về thương hiệu, video trải nghiệm sản phẩm mà chủ yếu là các cuộc phỏng vấn thì bạn nên sử dụng chính nhân viên hay khách hàng của mình.

Thời gian quay:

Yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến những chi phí hằng ngày. Chi phí hằng ngày này thường rất cao vì bao gồm những chi phí chuẩn bị trước sản xuất và cả trang thiết bị. Bên cạnh đó, hầu hết người làm video nhận trả công theo ngày nên nếu số ngày quay càng dài thì kinh phí sẽ tỉ lệ thuận. Theo bảng thống kê chi phí ở trên thì bạn có thể hình dung ra để quay trong 3 ngày có thể tốn từ 3.000-8.000 đô cho một nhóm gồm 2 người.

Bạn cũng nên lưu ý rằng nếu thuê người quay phim trong nửa ngày thì chi phí họ đưa ra sẽ cao hơn nữa ngày công. Điều này để bù cho thời gian nửa ngày còn lại mà họ không thể làm thêm việc gì khác.

Chi Phí Đi Lại:

Có thể tiền chi cho cả đoàn làm phim di chuyển đến địa điểm quay cao bằng cả tiền sản xuất ra đoạn phim đấy. Ngoài chi phí cho các phương tiện đi lại, còn bao gồm cả tiền khách sạn và tiền ăn cho cả đoàn. Cách tốt nhất để tiết kiệm là bạn thuê những đoàn làm phim hoặc những người làm việc tự do ngay tại địa phương, nơi bạn muốn quay, để đỡ phần chi phí đi lại. Ngoài ra, nếu bạn thuê một công ty sản xuất không ở ngay nơi mà bạn muốn quay thì họ cũng sẽ tìm đến những người làm việc tự do vì bản thân họ cũng muốn tiết kiệm chi phí.

Trang Thiết Bị:

Ngay cả khi một người quay phim không cần phải đi thuê trang thiết bị thì họ vẫn bắt bạn phải trả tiền chi phí cho các trang thiết bị mà họ sẵn có. Thường nó sẽ bao gồm luôn trong phần lương hằng ngày, điều này giúp bảo vệ cho các trang thiết bị đắt tiền và cũng góp phần giúp họ lấy lại vốn mua.

Trong những dự án làm phim lớn hơn, đoàn làm phim có thể cần phải thuê thêm máy quay, thiết bị chiếu sáng, chân chống cùng những thiết bị làm phim khác. Hầu hết những công ty sản xuất phim cũng sẽ bắt bạn chi trả luôn cho những khoản này coi như chi phí. Nếu không, họ sẽ bao gồm luôn tiền thuê những trang thiết bị trong phần chi phí cứng. Bạn có thể tiết kiệm hơn nếu uyển chuyển được trong việc sử dụng máy quay và các trang thiết bị cần thiết.

Khâu Hậu kỳ:

Hầu hết những khâu quan trọng trong việc sản xuất ra một video chất lượng cao nằm ở khâu hậu kỳ, cho nên bạn cần chuẩn bị “hầu bao’ tốt một chút. Ở phần hậu kỳ, video của bạn sẽ đi qua các công đoạn chỉnh sửa về nội dung câu chuyện, thường là dựa trên những ý kiến phản hồi từ phía công ty cũng như là chỉnh sửa các phân đoạn và màu sắc. Thường thì những chuyên viên ở giai đoạn này sẽ chỉ chuyên về một mảng nhất định nào đó nên bạn cần thuê thêm một người để chỉnh sửa màu sắc hơn là để cho người chỉnh sửa nội dung làm luôn công việc đó. Đồ họa cho các chuyển động hoặc làm tiêu đề cũng là những chi phí khác nhau trong kinh phí sản xuất.

Nhà làm phim Ghinwa Daher, làm việc tự do ở vùng Sahel của Châu Phi.

Tiết kiệm hơn khi sử dụng những người làm việc tự do:

Nếu đội ngũ trong công ty có thể đảm nhận được các công đoạn sản xuất như viết kịch bản, khảo sát địa điểm và chỉnh sửa video, thì bạn có thể giả được đáng kể kinh phí cho sản xuất video. Rồi bạn cũng có thể tiết kiệm bằng cách thuê một nhóm những người làm việc tự do (vài người quay phim và kỹ thuật viên âm thanh) hơn là thuê một công ty dịch vụ trọn gói. Nếu không ai trong công ty có thể quản lý được dự án sản xuất video, thì bạn nên cân nhắc thuê bên thứ ba, chuyên sản xuất để họ lo hết những vấn đề chi tiết.


By D. Simone Kovacs, Editor

Levica lược dịch từ blog.storyhunter.com

thời lượng tối ưu cho video marketing
Digital Marketing, Kinh nghiệm marketing

Thời lượng tối ưu nhất cho từng loại video

Có thể bạn đã biết, thời gian người xem chú ý vào một video đang ngày trở nên ngắn hơn, và cũng vì vậy mà định nghĩa về thời lượng tối ưu cho video cũng đang thay đổi. Điều đáng lo ngại nhất là nếu video của bạn quá dài thì sẽ không có ai có đủ kiên nhẫn để tiếp thu thông điệp của bạn cả.

Tuy nhiên, không quá khó hiểu khi các video dành cho thương mại đang có xu hướng ngắn hơn. Theo báo cáo của Vidyard, vào năm 2018, video dành cho mục đích thương mại dài trung bình 4:07 phút, ngắn hơn 33% so với năm 2017 là 6:07 phút. Cũng từ cùng một báo cáo, họ cho thấy 73% tất cả các video đều dưới 2 phút. Chỉ 2% video dành cho thương mại dài hơn 10 phút.

Levica hiểu là bạn đang nhắm đến các video ngắn hơn, nhưng chính xác là ngắn đến mức nào?

Độ dài tối ưu của video được xác định bởi bối cảnh – Đối tượng đang xem là ai, tại sao họ xem, họ xem video của bạn trong hoàn cảnh như thế nào, v.v.

Trong bài viết này, Levica sẽ chia theo các nhóm tình huống phổ biến nhất và đưa ra các đề xuất về thời lượng cho từng loại video. Levica cũng sẽ đề cập đến cách tiếp cận đối tượng mục tiêu, độ dài tối ưu cho mỗi loại nội dung video khác nhau (như video quảng cáo, explainer video – video giới thiệu về doanh nghiệp hoặc truyền tải một thông điệp ý nghĩa nào đó đến với người xem) và cách áp dụng tốt nhất cho từng kênh trong mạng xã hội phổ biến hiện nay. Không những thế, cuối bài viết sẽ đưa ra một vài ý tưởng để gợi ý cho bạn cách giảm độ dài video sao cho hay nhất.

Mục lục

  • Video nên dài bao nhiêu?
    • Khách hàng mục tiêu
    • Bối cảnh
    • Phân loại nội dung
      • Độ dài tối ưu cho video quảng cáo
      • Độ dài tối ưu cho video khuyến mãi
      • Độ dài tối ưu cho video chia sẻ trải nghiệm
    • Kênh
      • Độ dài tối ưu cho video trên YouTube
      • Độ dài tối ưu cho video quảng cáo trên YouTube (YouTube ads)
      • Độ dài tối ưu cho video trên Facebook
      • Độ dài tối ưu cho video trên Twitter
      • Độ dài tối ưu cho video trên Instagram
  • Cộng thêm: Chỉnh sửa độ dài video như thế nào?

Video nên dài bao nhiêu?

Phần lớn các video trực tuyến nên có độ dài từ 30 giây đến 4 phút, tùy thuộc vào nội dung, đối tượng và kênh của bạn. Video càng dài, thì khả năng càng cao là khán giả sẽ mau chán và bỏ qua video của bạn, vì vậy hãy làm video càng ngắn càng tốt. Theo thống kê năm 2018, có 73% video dành cho thương mại có thời lượng dưới 2 phút.

Độ dài video là một công cụ để thu hút nhiều người xem tham gia vào nội dung mà bạn muốn truyền tải. Có rất nhiều yếu tố giúp bạn xác định được độ dài tối ưu nhất cho video của mình, vì vậy, hãy cùng nhau phân tích từng yếu tố đó một cách chi tiết nhé.

Đối tượng người xem mục tiêu

Trong marketing, mọi thứ bắt đầu từ đối tượng mục tiêu của bạn. Nếu bạn không cung cấp cho họ những gì họ muốn, thì việc sản xuất video (và quảng cáo) của bạn sẽ là vô ích. Cách dễ nhất để hiểu rõ hơn về độ dài video là từ phối cảnh người xem, bạn hãy tự hỏi là họ đang ở giai đoạn nào trong marketing funnel (giai đoạn tiếp thị).

Khi truyền tải thông điệp tới những nhóm đối tượng người xem đông đảo, mới biết đến thương hiệu của bạn, thì hãy dùng video thật ngắn gọn. Khi gửi video đến người đã đăng ký và là khách hàng hiện tại của bạn thì video dài một chút vẫn sẽ chấp nhận được.

Ví dụ: nếu bạn sử dụng Facebook hoặc YouTube để quảng cáo video đến nhóm khách hàng mới, những người chưa bao giờ nghe về bạn thì bạn cần thu hút sự chú ý của họ trước. Nói chung, những người mà chưa bao giờ nghe nói về thương hiệu của bạn sẽ không bỏ ra hơn một phút thời gian của họ với bạn đâu, chứ đừng nói là lâu hơn.

Phần giới thiệu về thương hiệu phải ngắn, từ 15 giây (hoặc ngắn hơn nếu có thể) đến 1 phút. Hãy ghi nhớ rằng: Nếu bạn không để lại một ấn tượng nào trong 3 giây đầu tiên, thì hầu hết người xem sẽ không tiếp tục xem video của bạn nữa đâu!

Mặt khác, những người đã biết về với thương hiệu của bạn – họ nằm trong danh sách email, họ đã đăng ký theo dõi bạn trên các phương tiện truyền thông xã hội, họ hay truy cập website của bạn hoặc đã đăng ký kênh YouTube rồi thì họ cần những video có nội dung dài hơn, chi tiết hơn như các đánh giá sản phẩm, những minh chứng về hiệu quả sản phẩm và video giải thích chi tiết về sản phẩm của bạn.

Đừng lo lắng bạn nhé, Levica sẽ cung cấp cho bạn các đề xuất về độ dài cho từng loại video ngay dưới đây.

Bối Cảnh

Khi bạn đã xác định được đối tượng bạn sẽ hướng đến rồi thì bây giờ đã đến lúc bạn tính tới những tình huống mà họ sẽ xem nội dung video của bạn.

Ví dụ, nếu bạn đang sử dụng quảng cáo của Facebook và Instagram để đẩy mạnh lượng nhận diện thương hiệu thì bạn nên biết rằng là hơn 80% người xem sẽ xem những video này trên thiết bị di động. Nếu bạn đang chạy những quảng cáo của mình vào ban ngày, vào lúc mà đa số mọi người đều đang ở ngoài đường thì có thể là họ đang sử dụng điện thoại di động để xem video của bạn đấy! Cho nên trong những trường hợp này, video nên có thời lượng khoảng 1 phút hoặc ngắn hơn nếu có thể.

Mặt khác, nếu bạn đang làm những video quảng cáo B2B thì người dùng có thể sẽ xem những video đó khi đang làm việc trên máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay. Theo khảo sát về video cho doanh nghiệp của Vidyard năm 2019 thì có 87% nội dung video liên quan đến doanh nghiệp được xem qua máy tính để bàn. Trong tình huống này, bạn có nhiều thời gian hơn để truyền đạt thông điệp qua video.

Tóm tắt lại như sau:

  • Nếu trường hợp người xem trên thiết bị di động, chẳng hạn như mạng xã hội thì video tầm 60 giây.
  • Nếu trường hợp người xem máy tính để bàn, như tại nơi làm việc thì video hơn 2 phút.

Phân loại nội dung video

Ngoài đối tượng khách hàng mục tiêu và tình huống đang diễn ra với họ, loại nội dung mà bạn sử dụng cũng có tác động rất lớn đến độ dài tối ưu của video.

Hãy cùng xem một số loại video phổ biến nhất và thời lượng tối ưu cho mỗi loại sau đây nhé.

Độ dài tối ưu cho video quảng cáo

Mặc dù có rất nhiều nền tảng quảng cáo kỹ thuật số để bạn đăng video của mình (xem bên dưới), nhưng có rất ít tình huống mà bạn muốn làm một video dài hơn 1 phút.

Hãy tự hỏi mình rằng: Bạn có thực sự cần nhiều hơn 1 phút để tăng được nhận diện thương hiệu hoặc đẩy lượng truy cập không? Rất có thể là không, vì bạn đã có các công cụ khác như trang đích (landing page), trang thương mại điện tử và quảng cáo nhắm mục tiêu theo hành vi (retargeting) để giúp bạn đạt được mục tiêu cuối cùng của mình – Do vậy, bạn không cần phải nhét quá nhiều nội dung hơn mức cần thiết vào 1 video.

Thời lượng video được khuyến khích: 6 – 60 giây

Độ dài tối ưu cho video khuyến mãi

Nếu video dùng làm quảng cáo, thì bạn nên dùng những gợi ý trên để có ý tưởng về độ dài video chuẩn xác. Nếu bạn đặt video lên một trang web để nhúng qua các phương tiện truyền thông xã hội có tính tương tác trực tiếp thì bạn sẽ có thêm một ít thời gian nữa. Nhưng một lần nữa, bạn đừng làm video dài nếu bạn không thực sự cần chúng. Lượng tương tác với video của bạn càng giảm nếu bạn làm nội dung càng dài, vì thế bạn phải thận trọng cân nhắc về thời lượng video của mình.

Thời lượng video được khuyến khích: 15 – 90 giây

Cho dù bạn đang tạo ra video có nội dung như thế nào đi nữa thì một điều bạn nên nhớ kỹ là video của bạn càng dài, thì khả năng tương tác càng giảm. Đôi khi video dài cũng cần thiết ở một số trường hợp để thông điệp của bạn được truyền tới người xem một cách đầy đủ nhất, nhưng những người làm video biết cách tóm gọn thông điệp của mình thường sẽ tìm được cho mình một lượng tương tác cao.

Độ dài tối ưu cho explainer video

Khi người xem đã đủ quan tâm và muốn biết thêm về những video giải thích chi tiết hơn về sản phẩm và dịch vụ của bạn thì bạn đã thành công trong việc tiếp cận họ rồi đấy! Bạn cần làm video một cách xuyên suốt và đặt mình vào vị trí của người xem trong từng giai đoạn marketing của mình nhé.

Ví dụ, nếu explainer video được đặt tại trang chủ website thì bạn có thể có 2 phút để diễn giải chi tiết nhất về sản phẩm và đưa ra những dẫn chứng về lợi ích của sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Bạn nên nhớ rằng khi explainer video vượt quá 2 phút thì lượng người xem trung bình sẽ giảm từ 77% xuống còn 57% (theo breadnbeyound).

Thời lượng video được khuyến khích: 2 phút hoặc ít hơn

Độ dài tối ưu cho video trải nghiệm

Đối với khách hàng tiềm năng còn đang lưỡng lự thì lời chứng thực từ khách hàng đã sử dụng sản phẩm của bạn sẽ là bằng chứng có sức thuyết phục tuyệt vời.

Thứ mà người xem tìm trong một video trải nghiệm là bằng chứng của bên thứ ba về việc giải pháp của bạn đã thành công với những người đang gặp vấn đề giống như họ. Cách đơn giản nhất để làm việc này là bạn hãy kể cho họ nghe câu chuyện trước và sau khi dùng sản phẩm. Những việc này rất dễ thực hiện trong 2 phút. Đối với những trường hợp phức tạp hơn như trình bày một nghiên cứu thì bạn cần cân nhắc một video dài hơn một chút.

Thời lượng video được khuyến khích: 1-4 phút

Kênh truyền thông

Vậy là chúng ta đã biết được những đề xuất cho độ dài video lý tưởng, dựa vào đối tượng người xem, tình huống và loại nội dung rồi nhưng vẫn còn một thứ nữa mà chúng ta phải lưu ý đó chính là kênh truyền thông.

Trong khi các mạng xã hội và kênh truyền thông kỹ thuật số có những cách truyền đạt thông điệp tương tự nhau nhưng chúng vẫn có những điểm khác biệt ở từng kênh mà bạn nên tính đến trong kế hoạch làm video của mình. Hãy cùng Levica thảo luận về 4 kênh: YouTube, Facebook, Instagram và Twitter xem sao nhé.

Lưu ý: Mỗi nền tảng phương tiện truyền thông xã hội có những thông số kỹ thuật riêng, không chỉ về độ dài mà còn ở tỷ lệ khung hình, định dạng tập tin, v.v. Trong bài viết này, Levica chỉ nói chi tiết về độ dài của video.

Độ dài tối ưu cho video trên Youtube

Bạn có để video dài nhất của mình trên YouTube vì mọi người đến với Youtube chỉ để làm một việc duy nhất, đó là xem video – và phát video cũng là mục đích chính của nền tảng này. YouTube là một nơi tuyệt vời để lưu trữ bất kể loại video nào về sản phẩm, dài ngắn tùy bạn miễn là nó bao quát toàn bộ thông điệp mà bạn muốn truyền tải.

Độ dài tối ưu cho video quảng cáo trên Youtube là bao nhiêu?

Câu trả lời cho câu hỏi này phần lớn phụ thuộc vào định dạng quảng cáo mà bạn sử dụng, vì vậy Levica sẽ phân ra theo loại phổ biến nhất.

Quảng cáo Pre-roll và mid-roll: Dài khoảng 15-30 giây. Lưu ý rằng quảng cáo ngắn tầm 5 giây cũng có thể hiệu quả nếu bạn thiết kế nó nghiêm túc, và video dài khoảng tầm 1 phút cũng vẫn hiệu quả nếu gây được sự chú ý.

Quảng cáo TrueView: Dài 30 giây. Bạn chỉ trả tiền cho quảng cáo TrueView nếu khán giả xem trọn 30 giây hoặc lâu hơn (hoặc nhấp vào quảng cáo của bạn) nên bạn phải tận dụng tối đa 30 giây này. Thêm vào đó, bạn có thể thử nghiệm với các độ dài khác nhau để người xem thích thú, miễn là không vượt quá quy định.

Quảng cáo Bumper: Dài 6 giây. Video này là loại người xem không thể nhấn nút “bỏ qua”, vì vậy bạn cần làm nó thật ngắn để tránh làm phiền người xem.

Nói chung, nếu bạn đang tìm cách tăng lưu lượng truy cập hoặc chuyển hướng người xem lên trang web của mình thì bạn cân nhắc ở mốc 3 phút. Như đã đề cập ở trên, đây là thời điểm mà lượng tương tác của bạn sẽ bắt đầu bị giảm xuống.

Dưới đây là một số thông số kỹ thuật cho thời lượng video trên YouTube:

  • Độ dài tối đa: 12 tiếng
  • Độ dài lý tưởng: 3 đến 4 phút

Độ dài tối ưu cho video trên Facebook

Mặc dù mọi người xem một lượng lớn video trên Facebook, nhưng đó không phải là lý do chính mà họ mở app Facebook lên. Họ muốn tương tác, giải trí và theo dõi những gì đang diễn ra ở thế giới của họ, vì vậy độ dài video của bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố đó.

Video khoảng 60 giây là sự pha trộn hoàn hảo của nội dung và sự tương tác. Bất cứ gì lâu hơn 60 giây nghĩa là bạn đang yêu cầu đầu người xem đầu tư quá nhiều thời gian vào video của bạn, đặc biệt là trong khi họ đang xem trên nền tảng di động. BuzzSumo đã phân tích hơn 100 triệu video trên Facebook và thấy rằng mức độ tương tác cao nhất ở video dài khoảng 60-90 giây.

Dưới đây là một số thông số kỹ thuật cho độ dài video trên Facebook:

  • Độ dài tối đa: 120 phút
  • Độ dài lý tưởng: 60 đến 90 giây

Độ dài tối ưu cho video trên Twitter

Twitter nổi tiếng bởi sự ngắn gọn của mình, ngay cả khi họ mở rộng số lượng ký tự cho phép từ 140 lên 280 ký tự vào năm 2017. Nắm được điều đó thì bạn nên áp độ dài video khớp với sự ngắn gọn mà người dùng Twitter vốn đã rất quen thuộc.

HubSpot đã làm một bài khảo sát về hastag #VideoOftheDay của Twitter và thấy rằng thời lượng trung bình là 43 giây. Vì giới hạn video trên Twitter chỉ có hơn 2 phút, nên video của bạn cũng nên có thời lượng ở mức trung bình này.

Dưới đây là một số thông số kỹ thuật cho độ dài video trên Twitter:

  • Độ dài tối đa: 2 phút 20 giây
  • Độ dài lý tưởng: 45 giây

Độ dài tối ưu cho video trên Instagram

Ứng dụng chia sẻ ảnh (và video!) đã trở thành một kênh tuyệt vời để khám phá sản phẩm của người tiêu dùng. Vì Instagram có giới hạn số chữ trong phần mô tả và mọi người có xu hướng lướt nhanh hơn khi xài nền tảng này so với bất kỳ mạng xã hội nào khác. Để theo kịp tốc độ lướt đó, bạn cần làm gọn video trong vòng 30 giây.

Theo HubSpot, các video trên Instagram mà dài trung bình dài 26 giây sẽ có được nhiều bình luận nhất.

Dưới đây là một số thông số kỹ thuật cho độ dài video trên Instagram:

  • Độ dài tối đa: 60 giây
  • Độ dài lý tưởng: 30 giây

PHẦN CỘNG THÊM: Cách chỉnh sửa thời lượng video

Bạn cần cắt ngắn video một chút để đạt được độ dài như đề xuất ở trên? Không vấn đề gì! Hãy thử những mẹo nhanh sau đây nhé.

  • Loại bỏ phần tiểu sử không cần thiết. Trừ khi lịch sử công ty bạn là phần thiết yếu trong thông điệp mà bạn muốn truyền tải, còn không thì bạn hãy dành chúng cho phần giới thiệu ở trang chủ hoặc những video giới thiệu về thương hiệu ở những nơi khác.
  • Sử dụng chữ để làm rõ thêm cho ý chính trong video. Ví dụ, bạn có thể vừa lồng tiếng để nói về các lợi ích dành cho người dùng vừa gạch đầu dòng những ý chính này.
  • Loại bỏ những âm suy nghĩ như “ums”, các ngắt quãng trong giọng đọc và sử dụng ảnh tĩnh để che đi các chỉnh sửa trong video. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giúp video của bạn chuyên nghiệp hơn đấy.

Levica lược dịch từ promo.com

Skip to toolbar