Tag: campaign

Content Marketing, Digital Marketing, Ý tưởng Marketing

Campaign: Make Over Image – Có gì đáng học hỏi?

Thương hiệu M.O.I vừa tạo ra một “cú buzz” trong cộng đồng làm đẹp khi ra mắt bộ sưu tập son mang tên ca sĩ Hồ Ngọc Hà. Lần đầu tiên một thương hiệu son môi quốc nội ra mắt với một sản phẩm sản xuất hàng loạt (mass production) và dám đánh trực tiếp vào phân khúc trung cấp (mid tier), đứng cùng hàng với những cái tên vốn đã quá quen thuộc như 3CE, Bonjours,… Nước cờ mạo hiểm này bước đầu đã đem lại những thành công đáng ghi nhận.

Background

Nhu cầu trang điểm của phụ nữ Việt đang ngày càng tăng. 29% phụ nữ thừa nhận mình trang điểm hàng ngày, 57% có thói quen trang điểm trong những dịp hết sức bình thường như đi làm, đi học. Con số này tăng gần như đột biến so với 3 năm trước.

Đặc biệt, son môi là một món đồ trang điểm gần như không thể thiếu đối với bất kỳ phụ nữ nào. 91% phụ nữ thừa nhận mình đang sở hữu ít nhất một cây son, 90% luôn mang son theo mình.

Nói một cách khác, son môi là một thị trường đầy tiềm năng tại Việt Nam, đặc biệt là ở phân khúc trung cấp (chiếm đến 60% market share của thị trường mỹ phẩm).

Insight & thách thức

Son môi đối với một cô gái không chỉ là một sản phẩm để trang điểm thông thường, mà còn là một vật trang sức nói lên cá tính của người chủ nhân. Bản thân son môi cũng là một sản phẩm hết sức nhạy cảm vì tác động lên vùng miệng của người sử dụng, nên dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì vậy nên hầu hết người mua son ở Việt Nam đều tin dùng những brand nước ngoài với niềm tin rằng những thương hiệu lớn sẽ an toàn hơn về mặt sức khỏe, mặt khác cũng thể hiện “đẳng cấp” nhất định.

Chính vì lẽ đó, đa phần son môi quốc nội thường bị đánh giá là sản phẩm low tier, rẻ tiền, thậm chí có hại cho sức khỏe. Một số dòng son thì rẽ theo hướng hand-made, tức là sản phẩm làm thủ công, sản xuất với số lượng thấp nhằm đánh vào những thị trường ngách. Tuy nhiên điểm yếu của dòng thủ công là margin thấp và khó mở rộng (scale) trong tương lai/

Chiến lược

M.O.I định vị mình là thương hiệu mỹ phẩm trang điểm chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam với tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và giá thành hợp lý. Nói cách khác, M.O.I đi theo hướng khác hẳn với các son môi quốc nội với chiến lược sản phẩm chuyên nghiệp, phân khúc trung cấp, cạnh tranh trực tiếp với những cái tên như 3CE, Bonjours,…

Với tham vọng trở thành thương hiệu mỹ phẩm Việt hội tụ các yếu tố về chất lượng, uy tín và thời trang, là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của những người thích làm đẹp, M.O.I triển khai campaign “Make over image”. Chiến dịch hướng đến đối tượng nữ doanh nhân, dân văn phòng, độ tuổi từ 22-30, mang đến thông điệp truyền cảm hứng sống tích cực lạc quan, khuyến khích phải đẹp chăm sóc vẻ ngoài và cập nhật các xu hướng thời trang thế giới làm đẹp cho bản thân.

Chiến dịch Make Over Image được thương hiệu M.O.I tung ra trailer

Về mặt execution, M.O.I tận dụng tiếng nói của KOLs là những người phụ nữ đang thành công trong mọi lĩnh vực xã hội để viral thông điệp: “Hãy thể hiện sự tự tin, thành đạt của những người phụ nữ hiện đại”. Thông qua đó nâng tầm thương hiệu của mình trong mắt consumer và củng cố niềm tin của consumer vào định vị thương hiệu mỹ phẩm chuyên nghiệp của người Việt.

Mới nghe qua thì đây có vẻ là một chiến lược thông minh và an toàn, nhưng thực chất, đối với một thương hiệu mỹ phẩm còn mới, triển khai campaign launching hướng đến cộng đồng và mang tính emotional như vậy là một quyết định khá tham vọng.

Bởi lẽ, Trong ngành mỹ phẩm thế giới, chỉ những brand lớn mới đủ tự tin để triển khai những dự án dài hơi hướng đến cộng đồng, đơn cử như The Body Shop với chiến dịch cam kết không thử nghiệm không thử nghiệm sản phẩm trực tiếp trên động vật, hay Yves Rocher có “Act Beautiful” để hướng đến hành trình tôn trọng làn da và tôn trọng môi trường. Còn lại, hầu hết các brand định vị tầm trung đều chọn cách triển khai communication theo hướng functional, tập trung vào tính năng sản phẩm. Có chăng họ chỉ khai thác một số câu chuyện xoay quanh target audience để giúp các tính năng sản phẩm dễ được đồng cảm hơn bởi TA.

Còn với M.O.I, dù câu chuyện thương hiệu chưa đầy 1 năm tuổi này chọn không động chạm trực tiếp đến những vấn đề hệ trọng của xã hội như The Body Shop hay Yves Rocher, nhưng việc chọn đề tài chính là cuộc hành trình nội tại của mỗi người phụ nữ Việt Nam hiện đại cũng đã là một hướng đi khá táo bạo. Nếu làm “tới”, M.O.I sẽ khẳng định được vị trí số 1 khi nhắc đến mỹ phẩm “made in Vietnam”, nhưng ngược lại, M.O.I sẽ giống như cậu bé cố khoác cái áo rộng quá khổ, khiến cho định vị thương hiệu không rõ ràng, và ngân sách để xây dựng hình ảnh theo hướng emotional thường sẽ cao hơn rất nhiều.

Mặc dù vậy, đây vẫn là một điều đáng trân trọng khi một thương hiệu Việt chấp nhận mạo hiểm chọn cách phát triển thương hiệu theo hướng kinh doanh lẫn cộng đồng, giúp phụ nữ Việt và cả ngành mỹ phẩm Việt Nam có được tiếng nói khẳng định vẻ đẹp, sự tự tin và cả thành công.

Think big – Start small

Chiến dịch M.O.I (Make Over Image) bắt đầu với việc kết hợp cùng ca sĩ Hồ Ngọc Hà, tung ra bộ sưu tập son mang tên Hongocha’s secret 6 bảng màu là HNH’s Red (đỏ thuần), Destiny (đỏ gạch), Girl’s Night (đỏ nâu trầm), Keep Me In Love (hồng san hô neon), My Baby (hồng baby) và What Is Love (hồng cam nude).

CEO thương hiệu M.O.I và Hà Hồ trong buổi ra mắt dòng son Hongocha’s secret trong tháng 3

Việc một brand lựa chọn celeb để ra mắt dòng sản phẩm đặc biệt vốn không phải là xa lạ với ngành thời trang thế giới, đặc biệt là ngành son. Điển hình như sự kết hợp của Nicki Minaj với M.A.C, Lily Maymac với 3CE, ngay cả… Jusin Bieber cũng từng có dòng son mang tên mình. Điểm mạnh của việc kết hợp này là có thể tận dụng được hình ảnh của celeb để thu hút sự chú ý của đối tượng mục tiêu, thông qua đó tăng doanh số nhanh trong thời gian mở bán.

Đối với M.O.I, Hồ Ngọc Hà dường như là một quyết định đúng đắn vì hình ảnh của Hồ Ngọc Hà rất phù hợp với thông điệp mà brand đang hướng tới, một phụ nữ thành công, có cá tính, có sắc đẹp và biết chăm lo cho sắc đẹp của mình. Bên cạnh đó, Hồ Ngọc Hà cũng đứng đầu trong danh sách những sao Việt “biết” trang điểm nhất hiện nay.

Chiến thắng nhờ chất lượng

Tạo viral với hình ảnh “cây son của Hồ Ngọc Hà”. Nhưng M.O.I giữ chân được consumer là nhờ chất lượng của sản phẩm. Theo những đánh giá của consumer, thì chất son của BST Hongocha’s secret khá lỏng, vì vậy không bị dày và cứng nên khi đánh lên môi rất mịn và đẹp, phù hợp với khí hậu Việt Nam. Mặc dù vậy son lại có độ bám tốt và không bị lem màu khi uống nước hay ăn nhẹ.

Kết quả, BST Hongocha’s secret bán được doanh số lên tới 5 chữ số chỉ trong tuần đầu ra mắt. Đặc biệt trong số đó là cây son HNH’s Red, đã cháy hàng chỉ sau 3 ngày. Về mặt viral, sự kết hợp giữa M.O.I và Hồ Ngọc Hà cũng tạo được cơn sốt mạng với hơn 1.500 post social trên Instagram, hàng loạt bình luận tích cực từ các người nổi tiếng như Thanh Hằng, Lilly Nguyễn,… những ngôi sao tên tuổi.

Kết

Tất nhiên, vẫn không tránh khỏi những ý kiến trái chiều về chất lượng của M.O.I và thành công bước đầu cũng có công lớn của mặt trận social. Thế nhưng chiến dịch Make Over Image cũng đáng có được lời khen khi một thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam thực sự đầu tư bài bản để xây dựng thương hiệu và có những bước đi tương đối táo bạo trong phần execution.

Hãy cùng theo dõi xem liệu trong các bước tiếp theo, M.O.I và Make Over Image còn tạo ra được những buzz gì để trở thành thương hiệu son số 1 Việt Nam, và những gương mặt nào sẽ xuất hiện bên cạnh cái tên M.O.I tiếp sau Hồ Ngọc Hà.

Thông tin dữ liệu: Survey about cosmetic market in Vietnam (2018) – Asia Plus Inc.

Nguồn: Brands Vietnam

 

Digital Marketing, Tâm lý Marketing

Campaign: Biti’s Đi để trở về Mùa 1&2

Khoảng cuối 2016 và đầu năm 2017, giới trẻ Việt Nam xôn xao với chiến dịch “Đi để trở về”, đánh dấu sự quay trở lại xuất sắc của Biti’s với thương hiệu con Biti’s Hunter.  Xuất phát từ màn product placement đầy tranh cãi trong MV đình đám “Lạc trôi” của Sơn Tùng MTP, gây bão thông  qua tranh luận #teamdi và #teamtrove trên mạng xã hội, và chính thức ra mắt MV “Đi để trở về” là câu trả lời trọn vẹn của thương hiệu, cùng với ca sĩ trẻ đang lên Soobin Hoàng Sơn, Mùa 1 của chiến dịch đã tạo tiếng vang rất lớn cho Biti’s trong  cuộc chiến truyền thông Tết vốn chỉ dành cho những thương hiệu lớn.

Đầu năm 2018, Biti’s tiếp tục Mùa 2 với MV “Đi để trở về 2” cũng do Soobin Hoàng Sơn thể hiện và đã đạt được những thành công nhất định, ngày càng khẳng định hình ảnh của thương hiệu con Biti’s Hunter trong tâm trí người tiêu dùng.


1. Bối cảnh

Theo một khảo sát của Biti’s, có hơn 87.000 cuộc đối thoại về chủ đề “Đi hay Về” trên mạng xã hội. Đặc biệt, trong những dịp Tết, câu chuyện đi du lịch hay trở về với gia đình lại càng được các bạn trẻ quan tâm và tranh luận nhiều hơn.

Là một thương hiệu nội địa với ngân sách eo hẹp, lại nhiều năm im hơi lặng tiếng, nhưng lại thể hiện tinh thần “đi và trải nghiệm” của người trẻ, Biti’s Hunter đã vượt qua nhiều thử thách để lắng nghe và nói thay lời của nhiều bạn trẻ:  Đi là để trở về.


2. Mục tiêu

Là một thương hiệu nội địa, lại nhiều năm im hơi lặng tiếng nhưng dám dũng cảm bước chân vào cuộc chiến truyền thông Tết, Biti’s đối mặt với nhiều thử thách nhưng cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể và đủ lớn để tạo nên sự đột phá cho thương hiệu.

Mùa 1 là bước chân đầu tiên của Biti’s khi tham gia truyền thông Tết, vì vậy Biti’s muốn gây được sự chú ý lớn trong cộng đồng và tạo được cú hích để thương hiệu trỗi dậy. Hơn nữa, trước đó, thương hiệu con Biti’s Hunter cũng đã được ra mắt vài tháng nhưng chưa được nhiều người biết đến. Vì vậy, khi xây dựng chiến dịch truyền thông Tết lần này, Biti’s cũng đặt mục tiêu nâng cao nhận biết của người tiêu dùng về thương hiệu (Brand Awareness).

Mùa 2, Biti’s không ngừng củng cố định vị thương hiệu “Đi và trải nghiệm” cho  Biti’s Hunter cùng với thông điệp “Đi để trở về” đã gắn liền với hình ảnh thương hiệu sau thành công từ mùa 1. Biti’s hướng đến đưa “Đi để trở về” trở thành thông điệp biểu tượng (iconic message for iconic brand) mỗi dịp Tết về trong lòng người trẻ Việt.

Cũng như nhiều thương hiệu khác tham gia truyền thông Tết, mục tiêu lâu dài của Biti’s là mong muốn người tiêu dùng nhớ đến và trở thành thương hiệu Top of Mind mỗi mùa Tết, đồng thời, sở hữu platform Homing.


3. Insight

“Có đi mới có trở về. Đi thật xa, để khám phá, để trải nghiệm, để trưởng thành hơn và trân trọng sự trở về, trân trọng hành trình trở về hơn. Đi thật xa để trở về!” là insight đắt giá mà Biti’s đã đúc kết được. Đây không chỉ là một campaign insight mà được đánh giá là platform insight, xuyên suốt mùa 1, mùa 2 và các mùa chiến dịch sau của Biti’s Hunter.

Insight trong mùa 2 là: người trẻ có rất nhiều chuyến đi trong năm nhưng chuyến đi ý nghĩa nhất và được mong đợi nhất với họ chính là chuyến đi trở về nhà.


4. Chiến lược

Trong khi rất nhiều thương hiệu lo lắng sẽ rủi ro khi “cho hết trứng vào cùng một giỏ”, Biti’s lại cho rằng dàn trải ngân sách là cái bẫy nhiều người mắc phải. Biti’s tin rằng, trong thời đại thông tin vũ bão ngày nay, khách hàng không thích theo dõi một chiến dịch quá dài. Vì vậy, Biti’s chỉ tập trung ngân sách cho hai hoạt động chính: MV ca nhạc và Product placement.

Ở mùa 1, màn product placement trong MV Lạc trôi của Sơn Tùng MTP là một bước đi táo bạo của Biti’s khi đặt một đôi sneaker hiện đại trong một MV cổ trang của một ca sĩ luôn gây-tranh-cãi.

Tuy nhiên, hoạt động chính của chiến dịch trong mùa 1 và 2 vẫn là hai MV Ca khúc “Đi để trở về” do Soobin Hoàng Sơn thể hiện, nêu rõ insight trong lời bài hát để truyền tải thông điệp một cách gần gũi nhất.


5. Ý tưởng lớn

Dựa trên một platform khá quen thuộc trong mùa Tết là Homing, Biti’s lựa chọn cách lật ngược vấn đề để tìm ra khía cạnh mới của câu chuyện. Khi hầu như tất cả thương hiệu đều nói câu chuyện trở về trong ngày Tết, Biti’s đã chọn kể câu chuyện ra đi. Tuy nhiên, đó phải là một câu chuyện có liên quan đến tinh thần thương hiệu và truyền tải thông điệp có ý nghĩa. Và ý tưởng “Đi thật xa để trở về” rõ ràng là một khía cạnh mới về Homing, không đi ngược lại với đám đông vì vẫn có hàm ý “trở về” và có tiềm năng trở thành xu hướng vốn đã có sẵn trong người trẻ.


6. Thực thi

Với chủ trương không dàn trải ngân sách cho quá nhiều hoạt động, toàn bộ chiến dịch Đi để trở về mùa 1 chỉ gồm 3 giai đoạn:

  • Tạo tranh luận #teamđi – #teamtrởvề thông qua KOLs trong vòng 4 ngày
  • Tung 2 MV “Đi để trở về” của Soobin Hoàng Sơn và MV “Lạc trôi” của Sơn Tùng MTP trong 2 ngày
  • Dồn tổng lực PR và media vào Kenh14 trong 1 ngày

Mùa 2 của chiến dịch cũng được triển khai nhanh gọn với MV Đi để trở về 2 được tung ra đầu năm, đồng thời có các hoạt động PR kết hợp với trang báo Kenh14 và cuộc thi Chia sẻ chuyến đi ý nghĩa nhất năm của bạn và bắt đầu chuyến đi trở về cùng Biti’s Hunter.

# Content Video

Ngày 1/1/2017, MV Đi để trở về được tung ra, mở đầu cho Mùa 1 của chiến dịch. MV Lạc Trôi của Sơn Tùng MTP được ra mắt cùng ngày có một màn product placement gây tranh cãi khi đặt đôi sneaker hiện đại trong một MV cổ trang.

MV Đi để trở về 2 ra mắt ngày 1/1/2018 với insight được khai thác từ một khía cạnh mới: chuyến đi trở về nhà.

Các MV được cố ý ra mắt ngày đầu năm 1/1, chứ không phải 31/12, là vì Biti’s muốn sở hữu một ngày đặc biệt, ngày đầu năm, để người trẻ hướng đến những hành trình mới, nhưng cũng không quên “đi thật xa để trở về”.

MV “Đi để trở về”

MV “Đi để trở về 2”

MV “Lạc Trôi”

# Social

Mùa 1, để dẫn dắt giới trẻ đi đến câu chuyện Đi để trở về và nhận ra insight của mình, Biti’s tạo ra một cuộc tranh luận về chủ đề “Đi hay trở về” trên Facebook, với sự tham gia của các KOLs như: Phở, Giang Hoàng, Phan Ý Yên,… sử dụng các hashtag #teamđi, #teamtrởvề.

Mùa 2, Biti’s mở cuộc thi chia sẻ về chuyến đi ý nghĩa nhất năm trên Facebook nhằm trao cơ hội đoàn tụ mùa Tết cho 500 bạn trẻ may mắn. Chương trình mang tên “Chia sẻ về chuyến đi ý nghĩa nhất năm – Bắt đầu hành trình Đi để trở về của bạn củng Biti’s Hunter” đã thu hút hơn 12.000 lượt chia sẻ tham gia.

Bài Post Facebook về “Chuyến đi của năm”

# PR

Trong một chiến dịch truyền thông, sự hỗ trợ của báo chí là điều không thể thiếu. Với vai trò cập nhật thông tin những cuộc tranh luận cũng như các hoạt động của chiến dịch, Kenh14 luôn có các bài viết chia sẻ xuyên suốt toàn bộ chiến dịch, trong cả mùa 1 và 2.

Bài viết PR cho chiến dịch “Đi để trở về 2”


7. Kết quả

Mùa 1:

  • 2 MV đứng trong Youtube Trending 21 ngày liên tục
  • MV Đi để trở về của Soobin Hoàng Sơn có mặt trong BXH của Zing 6 tháng liên tiếp.
  • Chỉ riêng MV Đi để trở về đã tạo được 1,7 triệu tương tác trên mạng xã hội, trong đó brand mention chiếm hơn 10%.
  • Đạt 300% mục tiêu doanh số bán hàng chỉ trong vòng 7 ngày.

Mùa 2

  • MV Đi để trở về 2 đạt hơn 38 triệu view trong vòng 1 tháng.
  • 18 ngày liên tiếp nằm trong top Youtube Trending
  • Xếp vị trí thứ 3 trong top 10 campaign nổi bật trên social media Tết 2018 (theo xếp hạng của YouNet Media)
  • Hơn 3.500.000 lượt tương tác và gần 300.000 mentions trên mạng xã hội (theo xếp hạng của YouNet Media)

Trải qua hai mùa chiến dịch với hai ca khúc “Đi để trở về”, chiến dịch cùng tên của nhãn hàng con Biti’s Hunter đã ngày càng khắc sâu vào tâm trí người tiêu dùng với thông điệp vô cùng ý nghĩa: Đi thật xa, để khám phá, để trải nghiệm, để trưởng thành hơn và trân trọng sự trở về, trân trọng hành trình trở về hơn.

Nguồn: Brand Vietnam

Skip to toolbar