10 mẹo đơn giản giúp “video nhà làm” trở nên chuyên nghiệp
Nếu bạn quay rất nhiều video mà ít khi nào hài lòng với thành phẩm của mình thì bạn không phải là người duy nhất cảm thấy vậy đâu! Đa số mọi người đều rất muốn học cách chỉnh sao cho video của mình nhìn đẹp hơn.
May mắn là chuyện đó không khó lắm đâu. Dù bạn muốn quay vài clip vui vui để đăng đâu đó trên mạng hoặc đơn giản là chỉ muốn ghi lại những kỉ niệm đẹp và khoe với mọi người thì những mẹo sau đây chính là những gì bạn cần để làm ra được các video xịn sò đấy.
Hãy tiếp tục đọc để bỏ túi các mẹo giúp video tự quay nhìn chuyên nghiệp hơn nhé.
1. Luôn dùng camera sau
Đây dường như là điều kiện tất yếu, nhưng cũng dễ quên lắm. Camera sau có chất lượng tốt hơn, độ phân giải cao hơn và dễ hiệu chỉnh khi dùng app hơn. Camera sau lúc nào cũng cho những đoạn quay rõ nét.
Bạn có cần một số mẹo để tự quay không? Yeah! Trong nhiều trường hợp, Levica vẫn khuyên bạn nên sử dụng camera sau bằng cách đặt điện thoại đặt trên bàn hoặc dựa vào tường. Nếu bạn thích kiểu tự sướng thì có thể sử dụng camera trước, nhưng hãy xoay điện thoại để lấy khung hình ngang nhé.
Nếu bạn thu giọng nói trực tiếp bằng điện thoại thì hãy chắc chắn rằng bạn vừa nói, vừa nhìn vào ống kính chứ không phải nhìn vào màn hình. Nếu không, bạn sẽ trông có vẻ như đang nhìn qua vai của người xem đấy.
2. Ổn Định Hình Ảnh và Lấy Nét
Có 2 điều cực kỳ cần thiết để quay được một video đẹp. Đó là bạn phải giữ camera cho chắc để không bị rung và giữ camera làm sao có thể luôn lấy nét được.
Nhiều dòng điện thoại, máy ảnh và máy quay phim có tích hợp sẵn chức năng ổn định hình ảnh. Điều này giúp giữ cho hình ảnh video ổn định, nhưng bạn cũng cần biết những hạn chế của nó. Chức năng ổn định hình ảnh hoạt động hiệu quả hơn khi bạn giữ máy không bị rung – quay trong khi đi bộ có thể dễ dàng khiến hình ảnh rung không mong muốn.
Nếu bạn muốn quay mượt mà hơn trong khi di chuyển, thì hãy sử dụng thêm “gậy chống run khi quay” cho thiết bị của mình nhé.
Nếu thiết bị của bạn không có tích hợp sẵn chức năng ổn định hình ảnh thì bạn phải cầm máy bằng cả 2 tay khi quay. Sử dụng chân trụ hoặc tùy tình huống mà tận dụng những vật xung quanh để giữ cho thiết bị cố định, thậm chỉ bao gạo cũng có thể là một vật hay để cố định thiết bị của bạn.
3. Ghi Hình với Khung Hình nằm Ngang
Cách đơn giản đầu tiên trong bí kíp làm ra những video chuyên nghiệp là phải luôn luôn nhớ ghi hình với khung nằm ngang – đơn giản chỉ cần quay ngang điện thoại của bạn lại thôi.
Các video quay dọc hoặc dạng chân dung cũng ổn nếu bạn chỉ muốn xem chúng trên điện thoại. Tuy nhiên, khi bạn thử xem lại trên TV, máy tính xách tay, máy tính bảng hoặc bất kỳ thiết bị nào khác thì khung hình không phù hợp của nó sẽ là một điểm thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của bạn.
Và ngoài ra, góc quay của bạn sẽ rộng hơn, có thể lấy được nhiều cảnh hơn khi quay với khung hình ngang. Điều này có nghĩa là bạn hạn chế được các động tác xoay sang trái, xoay phải, và giúp sản phẩm quay sau cùng nhìn chỉnh chu hơn.
4. Thêm Những Đường Kẻ Khung Hình
Có một điều còn chán hơn việc phải xem một video quay ở chế độ chân dung đó là việc xem video được quay với góc quay nhìn kỳ quặc, xiêu vẹo. Việc hiển thị những đường kẻ khung hình khi quay sẽ giúp bạn canh được bối cảnh nền cân đối và quan trọng là tạo được bố cục chuẩn cho video.
Thường thì thiết bị nào cũng có sẵn tính năng này, bạn có thể mở nó ở phần tùy chỉnh trong phần mềm quay video của bạn.
Đường kẻ khung hình giúp bạn canh được hình ảnh trong video khớp với cảnh quan ở ngoài và bạn sẽ an tâm rằng video của bạn sẽ không bị lệch khung.
Khung này cũng kiêm luôn chức năng hỗ trợ cho bố cục khung hình. Khi bạn quay chủ thể là người, hãy đặt vị trí mắt họ trùng với đường kẻ phía trên cùng.
Những người đam mê nhiếp ảnh sẽ biết đây là quy tắc phần ba, giúp bạn phân bố những chủ thể trong khung hình tốt hơn.
5. Ánh Sáng
Rất đơn giản để cân chỉnh độ sáng trên một bức ảnh bị tối hoặc thiếu sáng nhưng nếu chỉnh trên video thì nó phức tạp hơn nhiều.
- Rất khó để làm sáng một video mà không bị giảm chất lượng hay nhiễu hình ảnh.
- Camera rất khó lấy nét trong điều kiện thiếu sáng vì thiếu sáng có thể dẫn tới việc làm mất nét của video.
- Nếu bạn sử dụng chế độ tự động như bạn vẫn hay dùng khi tự làm video tại nhà thì camera của bạn sẽ làm giảm tỉ lệ khung hình khi quay dưới điều kiện thiếu sáng. Điều này dẫn tới việc video của bạn bị nhoè mà bạn không có cách nào sửa được.
Thế giải pháp là gì? Như nguyên tắc thông thường, hãy đảm bảo rằng chủ thể của bạn được chiếu đủ ánh sáng, lý tưởng nhất là chiếu từ sau lưng bạn lên. Chỉ nên sử dụng đèn flash của điện thoại khi không còn lựa chọn nào khác.
Nếu bạn vẫn muốn quay bình thường ở điều kiện thiếu sáng thì bạn nên nâng cấp các thiết bị có những ống kính bắt nhanh hơn và tự mình cân chỉnh được ống kính đó
6. Làm Quen với Những Góc Quay
Ai cũng có thể tự mình cầm máy và quay video được. Nhưng nếu bạn muốn quay được một video mang tính chuyên nghiệp tại nhà thì bạn cần phải tập làm quen với việc sử dụng những góc quay.
Thay vì quay mọi thứ theo góc nhìn của bạn từ một điểm, thì bạn hãy thử quay ở những góc rộng hơn rồi từ từ lại gần chủ thể để quay cận cảnh. Sau đó chỉnh sửa 2 đoạn đó vào thành 1 đoạn. Hoặc bạn có thể giơ camera qua khỏi đầu để quay hành động từ trên cao. Hoặc bạn cũng có thể quỳ xuống và quay từ dưới lên.
Hãy cứ thoải mái tìm ra những góc quay đẹp nhất. Bạn không cần nhất thiết phải quay từng khung hình khác nhau hoàn toàn, nhưng nếu phong phú một tí thì có thể làm cho đoạn phim của bạn thú vị hơn đấy.
7. Zoom Bằng Chân
Khi muốn quay cận cảnh một chủ thể nào đó, bạn thường hay có thói quen là bấm vào nút Zoom trên camera của mình phải không? Nhưng cách này cũng gây ra vài điều phiền toái lắm đó. Hầu hết những điện thoại thông minh chỉ có chế độ zoom kỹ thuật số và nó sẽ làm giảm chất lượng hình ảnh. Ngoài ra, bạn càng zoom xa chừng nào thì video của bạn lại càng nhoè chừng đó, ngay cả khi mà bạn đã sử dụng tính năng ổn định hình ảnh.
Vậy phải làm gì khi bạn muốn quay cận cảnh một chủ thể? Hãy zoom bằng chân của bạn. Tạm dừng quay và tiến lại gần chủ thể và bắt đầu quay tiếp. Quá đơn giản phải không nào!
8. Sử Dụng Hiệu Ứng (Nhưng Đừng Quá Lạm Dụng)
Hiệu ứng video ở đây nghĩa là dùng filter (nền lọc ảnh) của hình ảnh. Dù sẽ trông rất đẹp khi được sử dụng hợp lý nhưng bạn cũng có thể dễ dàng lạm dụng chúng. Tuy nhiên, hầu hết các dòng máy ảnh và điện thoại thông minh hiện nay đều có thêm tùy chọn chèn một số biểu tượng vào video của bạn.
Timelapse
iPhone có tính năng timelapse rất hay, được tích hợp sẵn trong phần mềm camera cố định trên máy. Ngoài ra cũng có những ứng dụng như Lapse It, ứng dụng này cũng sẽ giúp bạn có được tính năng timelapse trên các thiết bị Android. Hãy thử sử dụng tính năng này khi có cơ hội nhé.
Tính năng timelapse sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu bạn đặt camera ở vị trí cố định và chắc chắn trong một khoảng thời gian nhất định tại một địa điểm có sự thay đổi liên tục – ví dụ, bạn có thể đặt máy trên thành cầu để ghi lại cảnh hoàng hôn hoặc đường bay của ngôi sao.
Quay chậm
Tính năng quay chậm có thể giúp tăng thêm phần kịch tính cho video của bạn, hoặc thể hiện rõ những chi tiết thường bị mất khi chuyển động quá nhanh. Nói ngắn gọn là video thông thường được quay với tiêu chuẩn 30 khung hình trên 1 giây, nên một clip quay với định dạng 120 khung hình trên giây sẽ có độ dài chậm gấp 4 lần so với tốc độ ngoài đời thật.
Cinemagraph
Cinemagraphs là sự giao thoa giữa phim ảnh và hình ảnh—mọi hình ảnh đều đứng yên, trừ một hoặc hai phần được chọn sẽ chuyển động.
Có rất nhiều phần mềm camera trên điện thoại thông minh có tính năng này, hoặc bạn có thể tải các phần mềm khác như là Cinemagraph Pro trên iOS hoặc VIMAGE trên Android để tự trải nghiệm. Hiệu ứng của nó rất ấn tượng.
9. Học Những Kỹ Năng Chỉnh Sửa Video Căn Bản
Những video cần chỉnh sửa phức tạp sẽ không phải là đối tượng cho chủ đề này, nhưng một vài chỉnh sửa cơ bản sẽ làm cho video của bạn trông chuyên nghiệp hơn.
Chỉ cần cắt bớt phần đầu và phần cuối clip thì bạn đã có thể cải thiện clip một cách đáng kể, cũng như là việc chia nhỏ các clip dài thành nhiều clip ngắn hơn và cắt bớt những phần thừa trong những clip đó. Điều này bạn càng phải làm đối với những clip mà bạn định chia sẻ lên mạng.
Video sẽ tuyệt khi được ghép từ nhiều thước phim hơn là việc quay tất cả mọi thứ chỉ trong một lần. Mỗi clip quay tầm 5 tới 10 giây rồi ghép lại bằng phần mềm chỉnh sửa.
10. “Đường Tắt” Trong Việc Chỉnh Sửa
Không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn và kỹ năng để có thể cẩn thận chỉnh sửa nhiều đoạn clip rồi ghép thành một video hoàn chỉnh. May mắn rằng có rất nhiều phần mềm miễn phí giúp bạn việc này như Google Photos và GoPro’s Quik (Có thể tải trên nền tảng Android và iOS) rất đỉnh.
Tất cả những gì mà bạn cần làm là chọn những tập tin hình ảnh mà bạn muốn, chọn một trong những bản nhạc nền miễn phí, và thêm chủ đề vào. Cả 2 phần mềm này sẽ nối những video nhỏ lại với nhau để tạo thành một video hoàn chỉnh, tiết kiệm thời gian quý giá và giúp bạn nhiều kinh nghiệm hơn.
Cách Tạo Ra Những Video Đẹp Hơn
Không quá khó để giúp các DYI video trở nên chuyên nghiệp hơn. Tất cả những mẹo phía trên đều không yêu cầu bạn phải biết những kỹ năng chuyên biệt gì cả. Chỉ với một chút luyện tập, bạn sẽ quay được những video tuyệt vời ngay lập tức.
Vậy ban sẽ phải làm gì tiếp theo? Trước tiên, hãy nhớ rằng âm thanh là một phần quan trọng không kém của quá trình quay video, vì vậy hãy chú ý cách giúp âm thanh được ghi lại tốt hơn.
Sau đó, hãy xem những loại video phổ biến nhất trên YouTube để tăng nguồn cảm hứng sáng tạo của bạn nhé.
Ngoài ra, để thu hút được đúng đối tượng mục tiêu, khi làm video marketing, bạn cũng cần xem xét, lựa chọn màu sắc phù hợp để truyền tại đúng thông điệp mình mong muốn. Video bên dưới sẽ đưa ra các ví dụ cụ thể cho bạn:
Mời bạn xem thêm các video marketing tại kênh YouTube của Levica!
Levica lược dịch từ makeuseof.com