Tag: viral marketing

Content Marketing, Kinh nghiệm marketing

Hướng dẫn bạn cách phát triển Viral Marketing năm 2020 (P2)

Trong phần một, chúng ta đã cùng tìm hiểu về nguyên nhân tại sao lại có những thứ “go viral” và các cách tạo hiệu ứng lan truyền. Trong phần tiếp theo này, Levica sẽ tiếp tục giới thiệu cho bạn cách tạo hiệu ứng lan truyền và phương pháp để đo lường hiệu ứng lan truyền cho thương hiệu của bạn. Các bạn hãy cùng theo dõi tiếp ở bài đăng ngay bên dưới nhé!

—–

Mời các bạn xem thêm phần 1 của bài viết tại đây:

Hướng dẫn bạn cách phát triển Viral Marketing năm 2020 (P1)

Bùng nổ lan truyền (Outbreak Virality)

Khi một sản phẩm, ứng dụng hay dịch vụ hay bất cứ thứ gì dường như ở khắp mọi nơi chỉ sau một đêm, Levica sẽ phân loại nó vào loại Bùng nổ lan truyền (Outbreak Virality). Nó giống như là lan truyền bằng miệng nhưng lan truyền nhanh hơn với nhiều lực thúc đẩy hơn. Liệu bạn đã từng đi vào văn phòng của bạn vào một buổi sáng như thường lệ và nhìn thấy tất cả các đồng nghiệp của mình đều đang bắt Jigglypuffs và Charmanders hay chưa? Pokémon Go là một ví dụ hoàn hảo về Bùng nổ lan truyền.

Câu hỏi đặt ra là “Tại sao điều này lại xảy ra?”. Thực sự không có câu trả lời nào tốt hơn, bởi vì nó rất thú vị. Đôi khi thực sự có những điều tốt, vui, thông minh hay thú vị mà người ta chỉ đơn giản là muốn chia sẻ chúng tới mọi người.

Lan truyền nội dung (Content Virality)

Sáng tạo nội dung là một cách khác mà các nhà tiếp thị sử dụng hiệu ứng lan truyền. Bởi vì có một số lượng rất lớn các nội dung trên thế giới, nhưng không phải tất cả chúng đều trở nên viral mà ngược lại, chỉ một số rất ít trong các nội dung làm được điều đó. Vậy bạn có thể làm gì để tăng khả năng thành công của mình? Khi nói đến tính lan truyền của nội dung, chúng ta có thể hiểu đơn giản là tất cả đều liên quan đến thời gian và cơ hội. Hãy “đánh” vào đúng người tại đúng thời điểm và đúng nơi và cung cấp cho họ thứ gì đó có thể chia sẻ. Liên quan đến Tâm lý học mà chúng ta đã đề cập trước đó, điều quan trọng cần phải nhớ là khi bạn tạo ra một nội dung, trước tiên bạn phải nghĩ cách để giúp người dùng kết nối với những người khác mà không chỉ với thương hiệu của bạn.

Ngoài kết nối về cảm xúc, điều quan trọng là chúng ta phải tiếp cận đối tượng mục tiêu mong muốn tại một thời điểm và nơi mà họ sẵn sàng để tiếp thu nội dung của bạn.

Bạn có còn nhớ đến The World Record Egg – một trong những tweet hàng đầu năm 2019 hay không? Ban đầu nó được tạo ra để thách thức các phương tiện truyền thông xã hội với mục tiêu nhận được nhiều lượt thích hơn bài đăng đang giữ kỉ lục của Kylie Jenners tại thời điểm đó (18 triệu lượt thích). Nó đã đánh bại cô ấy một cách khéo léo với 54 triệu lượt thích. Egg tiếp tục bán Capsule Collection cùng với DJ Khalid và bây giờ đang là người phát ngôn cho sức khỏe tinh thần. Vậy điều gì đến trước, nội dung hay “quả trứng”?

Lan truyền xã hội

Đối tượng mục tiêu là chìa khóa thành công

Giống như tất cả các hình thức lan truyền khác, việc biến thứ gì đó trở nên viral trên các phương tiện truyền thông xã hội yêu cầu bạn phải thấu hiểu sâu sắc về khách hàng của mình. Không chỉ họ là ai và họ thích gì, mà còn về việc họ tham gia vào các kênh nào. Với rất nhiều dữ liệu ngoài kia, không có lí do gì để bạn không hiểu về thị trường của mình và việc thực hiện các bước cơ bản đầu tiên này là rất quan trọng.

Cung cấp thứ gì đó để người dùng của bạn có thể kết nối

Một khi bạn biết khán giả của bạn là ai, cần cái gì, ở đâu và khi nào, thì bước tiếp theo bạn cần làm là mang lại cho họ những thứ họ quan tâm. Làm cho họ cười hay khóc, chỉ cần làm cho họ cảm thấy có sự kết nối cảm xúc với thứ mà bạn đang cố gắng cung cấp. Hãy chắc chắn rằng bạn đang tập trung vào nội dung có chất lượng cao mà khán giả của bạn sẽ đạt được những lợi ích thực sự theo một cách nào đó.

Quảng bá nội dung do người dùng sáng tạo 

Bạn không chắc mình nên làm việc này như thế nào? Hãy thử tham khảo TikTok, những bậc thầy tuyệt đối trong việc khiến người dùng tạo nội dung cho các thương hiệu. Burberry, một công ty luôn đi đầu trong công nghệ, đặc biệt là thương hiệu thời trang xa xỉ, là một trong những người đầu tiên tạo ra TikTok #challenge. Họ đã yêu cầu người dùng tạo một logo Thomas Burberry bằng tay và chia sẻ video, giống như thương hiệu đang phát hành một bộ sưu tập logo mới.

Mặc dù bạn có thể tìm thấy những ví dụ hay ho khác của những công ty thành công với chiến lược này trong TikTok Marketing Guide, tuy nhiên họ không phải là nền tảng duy nhất nơi mà nội dung do người dùng tạo ra được thực hiện tốt. Instagram, Snapchat và Facebook đều là những ứng dụng tuyệt vời mà khách hàng của họ đăng tải lên những nội dung của riêng họ.

Netffix cũng đã thực hiện rất tốt chiến dịch này. Nhiều nhà tiếp thị thậm chí còn nghĩ rằng công ty phát trực tuyến đã tạo ra một tài khoản twitter giả để chia sẻ memes của bộ phim Birdbox ngay sau khi nó được công chiếu. Người dùng đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng và hiện nay đã có hàng ngàn memes Birdbox trên Internet ngày nay.

Điều quan trọng nhất cần phải nhớ ở đây là nếu bạn muốn người dùng tạo nội dung cho bạn, hãy làm cho nó xứng đáng với thời gian họ bỏ ra. Điều này có thể thông qua sự hợp thức hóa xã hội hay một số loại quà tặng. Không quan trọng bạn khuyến khích khách hàng như thế nào, chỉ cần biết rằng bạn có thể khiến càng nhiều người dùng tạo nội dung thì càng nhiều khách hàng kết nối với thương hiệu của bạn và vòng lặp sẽ quay càng nhanh. Điều này có thể hiểu chính xác là bạn đang đặt quyền lực vào trong tay khách hàng của mình.

Làm thế nào để đo lường hiệu ứng lan truyền

Điều quan trọng khi chúng ta nói về hiệu ứng lan truyền là làm thế nào để đo lường tính hiệu quả của nó. Chúng ta sẽ không thể là những nhà tiếp thị tăng trưởng nếu chúng ta không muốn đặt một số liệu cụ thể làm chỗ dựa cho sự thành công.

Khi đo đường hiệu ứng lan truyền, chúng ta cần quan tâm đến 2 phần quan trọng là yếu tố “k” và chu kỳ lan truyền. Yếu tố k là một thuật ngữ thật của lĩnh vực y tế được tạo ra để đo lường số người bị nhiễm bởi một người khác. Trong trường hợp của chúng ta, nó nghĩa là số khách hàng hay người dùng được tạo ra bởi một khách hàng hay người dùng khác. Chu kỳ lan truyền là khoảng thời gian mà chúng ta tiến hành công tác đo lường. Nếu bạn có một hiệu ứng lan truyền đúng đắn thì chu kỳ viral của bạn càng ngắn và yếu tố k càng cao.

Công thức tạo ra sản phẩm lan truyền

Có một công thức thực tế mà bạn có thể dùng để đo lường và tính toán khả năng để sản phẩm hay ứng dụng của bạn trở nên viral. Đây là những gì mà David Skok của trang web doanh nhân thành công forentrepreneurs.com đã đưa ra.

Điều quan trọng nhất và cần tính toán đầu tiên là Hệ số lan truyền (Viral Coefficient). Vậy Hệ số lan truyền là gì? Hiểu một cách đơn giản, đây là số lượng khách hàng hay người dùng mới mà mỗi khách hàng hiện tại có thể thu hút thành công. Công thức cho hệ số này được thể hiện ở bảng trên và bạn nhân số lượng lời mời được gửi đi với hệ số chuyển đổi.

Tại sao hệ số lan truyền lại quan trọng như vậy? Câu trả lời là bởi vì sự tăng trưởng phụ thuộc vào nó. Nếu chúng ta sử dụng các số như ví dụ trong bảng như David Skok đã làm, thì mỗi người trong 10 khách hàng ban đầu sẽ gửi 10 lời mời và chuyển đổi 20% trong số họ, tức là 2 người trở thành khách hàng mới. Vậy tổng số lượng khách hàng sau chu kỳ đầu tiên sẽ bằng 10 khách hàng ban đầu, cộng với 20 khách hàng mới là 30 khách hàng.

Như bạn thấy, tiềm năng về tính lan truyền tăng lên với mỗi khách hàng mới và với khả năng của họ gửi các lời mời giúp chuyển hóa thêm những khách hàng mới. Yếu tố quan trọng khác tác động đến sự đo lường mức độ lan truyền sản phẩm hay nội dung của bạn là lượng thời gian bạn dùng để chuyển đổi những người dùng mới này. Tất nhiên, chu kỳ càng ngắn thì khả năng lan truyền càng cao.

Nếu bạn thực sự quan tâm đến thuật toán đằng sau tính lan truyền và muốn tải xuống phiên bản biểu đồ Excel của riêng mình, Levica khuyên bạn nên xem chiến lược chi tiết được đưa ra bởi David Skok.

Hiệu ứng lan truyền và Độ gắn bó thương hiệu

Mặc dù rất dễ nhầm lẫn giữa hai khái niệm này, nhưng có một sự khách biệt giữa hiệu ứng lan truyền và độ gắn bó thương hiệu

Sự gắn bó với thương hiệu được hiểu là khi một khách hàng liên tục quay trở lại với thương hiệu và khi công ty có những khách hàng thực sự trung thành trở thành người đại diện tiếp thị. Những nguyên nhân để một thương hiệu trở nên “được gắn kết và yêu thích” như vậy có thể là do nó miễn phí, vui, dễ sử dụng hay thậm chí là bởi vì nó có nội dung và những sản phẩm mới, thú vị. Những ví dụ gần đây về những thương hiệu đặc biệt “gắn kết” là Apple và Starbucks. Độ gắn kết chính là thứ mà tất cả các thương hiệu đều khao khát đạt được, nhưng nó không bằng hiệu ứng lan truyền.

Bạn có thể nghĩ rằng Pokémon GO là một ví dụ tuyệt vời về hiệu ứng lan truyền nhưng không có độ gắn kết. Họ đã tăng trưởng theo cấp số nhân trong một khoảng thời gian rất ngắn nhưng lại không thể giữ lại phần lớn khách hàng của họ.

Vậy bây giờ bạn đã hiểu được như thế nào là hiệu ứng lan truyền và cách để đo lường hiệu ứng lan truyền. Levica chúc các bạn thành công trong việc áp dụng chúng vào các chiến dịch marketing tiếp theo nhé!

Levica lược dịch từ nogood.io

 

Content Marketing, Kinh nghiệm marketing

Hướng dẫn bạn cách phát triển Viral Marketing năm 2020 (P1)

Dù bạn đang “Dọn dẹp nhà cùng Marie Kondo” (loạt phim truyền hình thực tế Netflix), ngủ dưới một tấm chăn mỏng, mềm nhưng nặng (Weighted Blanket) hay tham gia vào thử thách nắp chai hoặc một số #challenge khác trên TikTok thì tình cờ bạn đã trở thành một phần của vòng xoáy viral. Đối với các nhà tiếp thị, những ý tưởng có thể trở thành xu hướng và lan truyền nhanh (hay nói cách khác là viral ideas) chính là “chén thánh” trong marketing. Tuy nhiên, phần lớn họ thì lại nghĩ đó là một loại phép thuật hay là một loại may mắn nào đó mà một số người có, số còn lại thì không. Trong khi không có điều gì chắc chắn thì có một số thứ mà bạn có thể làm để tăng cơ hội trở nên viral. Những thương hiệu như là Uber, Dropbox và Pinterest không phát triển bằng cách tiếp thị cho từng cá nhân một. Họ đã sử dụng sức ảnh hưởng lan truyền đối với những khách hàng mới tiếp nhận sản phẩm hay dịch vụ mới của họ và ảnh hưởng của mạng xã hội để làm những gì họ cần.

Có một số lí do để bạn có thể muốn được viral. Đó có thể là do bạn muốn quảng bá sản phẩm của mình. Và, để người dùng nói về sản phẩm của bạn tốt như thế nào, thì trước tiên sản phẩm của bạn phải là thứ mà mọi người thực sự muốn dùng và muốn nói về nó. Một khi khách hàng thích nó thì việc để họ nói và chia sẻ nó với bạn bè của họ sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Peloton là một ví dụ tuyệt vời về việc một công ty sử dụng hiệu ứng lan truyền để phát triển một cách nhanh chóng. Khi một đợt sản phẩm kết thúc, người dùng sẽ được cung cấp những đề xuất mới cho những sản phẩm tiếp theo mà họ có thể dùng ngay sau đó. Hãy nghĩ rộng ra và suy ngẫm về bất kì thứ gì mà bạn có thể nghĩ tới.

Sáng tạo nội dung là một cách khác mà những nhà tiếp thị sử dụng hiệu ứng lan truyền. Bởi vì có một số lượng rất lớn các nội dung trên thế giới, không phải tất cả chúng đều trở nên viral mà ngược lại, chỉ một số rất ít trong các nội dung làm được điều đó. Vậy bạn có thể làm gì để tăng khả năng thành công của mình? Khi nói đến tính lan truyền của nội dung, chúng ta có thể hiểu đơn giản là tất cả đều liên quan đến thời gian và cơ hội. Hãy “đánh” vào đúng người tại đúng thời điểm và đúng nơi.

Ngoài tính lan truyền của sản phẩm và nội dung, điều phổ biến và thông thường nhất để chúng ta nghĩ cách “được viral” là trên các phương tiện truyền thông xã hội. Một bài đăng hay meme có tính lan truyền thường là khởi nguồn của một thuật ngữ và nó sẽ là thứ đầu tiên chúng ta nghĩ tới khi nghe về một thứ gì đó đã trở nên thông dụng. Mặc dù có vẻ như các phương tiện truyền thông xã hội sẽ là nơi thích hợp nhất để quảng bá thì nó lại trở thành một trong những nơi khó khăn nhất để trở nên viral khi có quá nhiều đối thủ cạnh tranh. Bạn cần tranh thủ sự hỗ trợ của những người có sức ảnh hưởng trong thị trường của mình để giúp bạn về điều này.

Không cần phải nói ra thì chúng ta cũng biết, bạn sẽ cần một sự thấu hiểu sâu sắc về khách hàng của mình để làm cơ sở tạo dựng hiệu ứng lan truyền. Bạn cần hiểu họ sẽ ở đâu và khi nào họ sẽ ở đó, sau đó bạn sẽ xây dựng một số lượng những nội dung/video dễ dàng được chia sẻ. Đây sẽ mà một bước quan trọng để thúc đẩy hiệu ứng lan truyền cho thương hiệu của bạn.

Tâm lý học giải thích nguyên nhân cho những thứ có tính lan truyền mạnh mẽ (go viral)

Để hiểu tại sao mọi người chia sẻ một số thứ mà không phải là những thứ khác thì điều quan trọng là phải hiểu rõ tâm lý vì sao mọi người lại cảm thấy cần phải chia sẻ. Trong một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi New York Time, họ đã khai thác được động lực đằng sau việc chia sẻ các nội dung trực tuyến và trên cơ bản, nó xuất phát từ 5 lý do sau:

  1. Mọi người muốn cải thiện cuộc sống của người khác (94%)
  2. Mọi người muốn nội dung phản ánh lên đặc điểm riêng biệt trực tuyến của họ (68%)
  3. Mọi người muốn phát triển và duy trì những mối quan hệ của họ (80%)
  4. Mọi người chia sẻ bởi vì họ thích cảm giác được người khác chú ý và bình luận về điều được họ chia sẻ (81%)
  5. Mọi người muốn truyền bá về một cái gì đó mà họ tin tưởng (84%)

Sản phẩm lan truyền (Product Virality)

Bây giờ khi chúng ta đã hiểu tại sao mọi người lại chia sẻ thì sẽ dễ dàng hơn nhiều để các nhà tiếp thị tận dụng điều đó. Như bạn có thể biết, hiệu ứng lan truyền hoàn toàn không phải là một trò chơi tiếp thị. Nó phải được tích hợp vào sản phẩm ngay từ đầu. Một khi bạn có sản phẩm hoàn thiện đã được tích hợp hoàn hảo, sẽ có 5 cách lan truyền sản phẩm mà bạn có thể tận dụng, dựa theo chuyên gia tiếp thị tăng trưởng Josh Elman:

  • Truyền miệng
  • Khuyến khích truyền miệng
  • Thể hiện
  • Lan truyền
  • Bùng nổ

Truyền miệng (Word of Mouth)

Đây là loại lan truyền tốt nhất, dễ nhất và xảy ra tự nhiên nhất khi sản phẩm của bạn rất tốt, độc đáo, thú vị, giải trí hoặc bất kỳ sự kết hợp nào của những yếu tố trên làm cho mọi người thực sự muốn nói cho bạn bè của họ nghe về nó. Liệu bạn của bạn đã nói với bạn hãy xem phim tài liệu The Fyre Festival trên Netflix chưa? Hay có thể một ai đó đã nói với bạn rằng CBD (Cannabidiol – một hợp chất hóa học có nguồn gốc từ cây Gai dầu) đã làm thay đổi cuộc đời họ nên bạn cũng đã thử nó? Đây đều là những ví dụ về lan truyền bằng miệng.

Chìa khóa ở đây là có một thương hiệu dễ tìm. Một tên thương hiệu bị thiếu nguyên âm hay chữ kép là không cần thiết khi một ai nói đó với bạn của họ là hãy “Google it!” (nghĩa là hãy tìm nó trên Google). Nếu bạn chưa tối ưu hóa tên hay mô tả để dễ tìm kiếm thì nó sẽ không có lợi cho việc lan truyền bằng miệng cho thương hiệu của bạn.

Khuyến khích truyền miệng (Incentivized Word of Mouth)

Được mô tả như là một chương trình giới thiệu tối ưu hơn, hiệu ứng lan truyền theo cách khuyến khích truyền miệng sẽ mang đến cho khách hàng của bạn một chút gì đó để nói về bạn. Robinhood, một ứng dụng môi giới đã cung cấp cho người dùng một phiếu quà tặng miễn phí cho những người giới thiệu với bạn bè của họ về ứng dụng này. Và công ty này đã rất thành công trong việc xây dựng một vòng giới thiệu lan truyền.

Cách này hoạt động hiệu quả nhất khi cả người giới thiệu và người được giới thiệu đều được khuyến khích. Rothy’s, một thương hiệu giày nữ nổi tiếng đã đạt được điểm A+ khi thực hiện việc khuyến khích giới thiệu với chương trình “Give $20, Get 20$”. Thương hiệu này không chỉ có yếu tố truyền miệng tốt nhờ giày của họ siêu thoải mái và phong cách, mà còn nhờ vào việc họ biết khuyến khích cả hai mặt của quá trình mua bán. Đây là một trong các chiến lược lan truyền duy nhất sẽ khiến bạn thực sự chi tiền bởi vì nó yêu cầu bạn phải giảm giá sản phẩm hay dịch vụ của mình. Vì vậy hãy chắc chắn rằng ưu đãi của bạn thực sự khả thi với những gì bạn cung cấp.

Lan truyền bằng việc thể hiện (Demonstration Virality)

Bạn hay con của bạn đang có một hay thậm chí là ba cái fidget spinner (một loại đồ chơi giải tỏa căng thẳng) trong năm nay? Có thể bạn đã thấy ai đó sử dụng một cái fidget spinner và bạn nghĩ rằng nó nhìn thật là thú vị, rồi sau đó bạn cũng muốn chơi thử. Khi chúng ta thấy mọi người đang dùng một thứ gì đó làm cho chúng ta thấy hứng thú, chúng ta sẽ muốn tham gia vào, đó là bản chất của con người. Điều này giải thích cách chúng ta định nghĩa về lan truyền bằng việc thể hiện.

Bạn nhìn thấy rất nhiều những tấm ảnh mọi người đội hoa gần đây? Các bộ lọc trên Instagram Stories hay Snapchat hoạt động theo cách này. Một khi người dùng bắt đầu tham gia, chúng sẽ lan truyền một cách rất nhanh chóng vì tất cả mọi người đều muốn nhìn giống như Beyoncé.

Uber là một trong những thương hiệu tốt nhất khi thực hiện chiến lược này vì nó được tích hợp vào dịch vụ của họ. Levica cá rằng, lần đầu tiên khi bạn thấy những người bạn của mình dùng điện thoại để đặt một chiếc ô tô thông qua ứng dụng, trong khi bạn phải chạy xuống con phố gần nhất để bắt một chiếc taxi thì hẳn bạn sẽ muốn tải ứng dụng này xuống để sử dụng ngay lập tức.

Lan truyền “cho phép” (Infectious Virality)

Josh Elman đã mô tả điều này theo một cách tế nhị là “1 người lây nhiễm virus cho người khác”. Việc sử dụng lời mời thúc đẩy sự khác biệt. Những ví dụ kinh điển ở đây là về Facebook và LinkedIn, nơi mà một người dùng mời bạn bè kết nối hoặc trở thành bạn của họ. Sau đó, bạn cũng sẽ tiếp tục kết bạn và kết nối với những người khác tương tự như vậy.

Được mời tham gia một sản phẩm/cộng đồng có thể tạo cảm giác đặc biệt nếu được thực hiện đúng cách. Nhưng nếu ai đó mời toàn bộ mọi người trong danh sách bạn bè, nó sẽ ngay lập tức trở nên tầm thường, không còn gì đặc biệt nữa. Bằng cách bắt buộc phải thực hiện một lời mời, sự lan truyền này sẽ không phù hợp với tất cả các thương hiệu và sản phẩm, vì vậy hãy sử dụng chiến lược này một cách thật thận trọng. Mặc dù nó có vẻ là bắt nguồn của hiệu ứng lan truyền nhờ vào sự liên kết với các mạng lưới xã hội danh tiếng và lớn nhất, hệ thống thư mời có thể thực sự hạn chế và tác động mạnh hơn khi được sử dụng cho 1 loại/dạng mạng xã hội nhất định. Nếu điều này không phải là những gì bạn muốn thực hiện, hãy sử dụng một trong các chiến dịch lan truyền khác.

Mời các bạn xem tiếp phần 2 của bài viết tại đây:

Hướng dẫn bạn cách phát triển Viral Marketing năm 2020 (P2)

Levica lược dịch từ nogood.io

 

Skip to toolbar