Chỉ tạo ra nội dung chất lượng không có nghĩa là bạn có thể duỗi chân tận hưởng kỳ nghỉ bên bờ biển. Một chiến dịch tiếp thị nội dung hiệu quả cần một “kho” ý tưởng sẵn sàng xuất bản đều đặn và đồng điệu với khách hàng.
Nếu bạn cảm thấy đã cạn kiệt ý tưởng, đây là lúc nhìn lại “hàng họ” có sẵn trên thị trường tiếp thị trực tuyến. Bên dưới là 5 công cụ cho biên tập viên và chuyên gia tiếp thị nội dung nhanh chóng khám phá, sáng tạo, phát triển và kiểm tra ý tưởng nội dung của mình.
1. GOOGLE KEYWORD PLANNER
Google Keyword Planner là công cụ cực kỳ hiệu quả cho người viết đang vật lộn với việc phát triển nội dung. Nếu bạn đã có sẵn chủ đề trong đầu, bạn có thể sử dụng keyword planner để nghiên cứu từ khóa và các ý tưởng chi tiết bên dưới liên quan đến ý tưởng chính của mình.
Ví dụ, nếu bạn đang chịu trách nhiệm tiếp thị trực tuyến cho một trung tâm đào tạo tiếng Anh và muốn kéo người dùng (users) về website với từ khóa (keyword) chính bạn chọn là “Học tiếng Anh”, bạn sử dụng Google Keyword Planner để nhanh chóng có 1 danh sách dài các ý tưởng cho keyword như học tiếng Anh trên mạng, cách học tiếng Anh hiệu quả, học tiếng Anh theo chủ đề, v.v. và cung cấp cho bạn các thông tin bổ sung như bao nhiêu người đang tìm kiếm từ khóa này hàng tháng, mức độ cạnh tranh của mỗi keyword, giá thầu mua quảng cáo đề xuất, v.v để bạn lựa chọn.
Bạn có thể sử dụng dữ liệu khám phá được từ Google Keyword planner để nghĩ ra các chủ đề cho những nội dung đang được ưa chuộng và tối ưu hóa nội dung tìm kiếm. Cách thức tưởng chừng như cũ rích này sẽ cung cấp cho bạn hạt giống các từ khóa và chủ đề mới mẻ từ quan điểm và nhu cầu của người dùng.
Bạn phải đặc biệt chú ý đến các từ khóa dài (ví dụ, thay vì từ khóa “mỹ phẩm”, bạn có thể tìm kiếm từ khóa “Mỹ phẩm Hàn Quốc” hoặc “Cách sử dụng mỹ phẩm Hàn Quốc” để có được những ý tưởng sống động và thực tế tiết lộ dự tính tìm kiếm của cư dân mạng.
Hoặc bạn có thể sử dụng công cụ keywordtool.io này nếu bạn muốn thay đổi một chút cho đời thi vị và mới mẻ.
2. QUORA.COM
Các trang web câu hỏi và trả lời như Quora.com có thể tiết lộ cho bạn những nhu cầu thầm kín về các vấn đề kìm nén của người dùng trực tuyến. Công cụ này cho phép bạn kiểm tra các câu hỏi phổ biến liên quan đến chủ đề bạn quan tâm
Chỉ cần tạo 1 tài khoản, chọn chuyên mục yêu thích và chọn chủ đề con dưới chuyên mục này bạn sẽ ngập đầu trong đống câu hỏi và trả lời của các thành viên khác.
Trang web Q&A cực kỳ hữu ích vì chúng kết nối bạn với với các dự định tìm kiếm của khách hàng, những vấn đề nhức nhối đến mức họ chủ động tìm kiếm thông tin và cầu cứu chuyên gia. Nếu có một số lượng lớn câu hỏi và câu trả lời, bạn có thể đã có 1 chủ đề “nóng hổi” và các giải pháp trong tay.
Các trang Q&A cho bạn cảm nhận sơ lược về những gì người khác quan tâm muốn đọc hoặc biết thêm về lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực của bạn. Nó cho bạn cái nhìn từ bên trong về cách họ mô tả vấn đề của họ, làm sao những vấn đề này tác động đến họ và cảm giác tổng quan đằng sau mong muốn giải quyết vấn đề. Các nhân tố này sẽ giúp bạn phát triển danh sách các ý tưởng nội dung, và truyền tải vào những gì bạn viết về nhu cầu thầm kín cũng như ý tưởng kết nối với độc giả.
3. GOOGLE TRENDS
Bạn đang viết nội dung mà không khiến khách hàng “nhảy cẫng lên” hoặc tệ hơn là khách hàng chả thèm buồn đọc hết đoạn giới thiệu sơ lược hay bởi vì nó chưa đủ tính thời sự? Tìm “mồi câu” cho nội dung của mình có thể là 1 giải pháp. Nếu bạn muốn có được sự chú ý độc giả, khiến họ bàn tán, hãy nhìn vào những chủ đề đang nổi trên mạng để xem mọi người đang nói về cái gì.
Google Trends là công cụ hữu dụng cho phép bạn nắm xu hướng, sự kiện, hotboy nào đang nổi tiếng và hiện tượng/văn hóa đang được thế giới quan tâm. Bạn có thể tìm kiếm 1 từ khóa cụ thể hoặc đơn giản chọn 1 chuyên mục thú vị với bản thân. Bạn có thể theo dõi xu hướng đang phổ biến tại 1 khu vực hoặc tại 1 thời điểm nào đó.
Ví dụ, có thể bạn muốn biết chủ đề nào đang là xu hướng trong mảng kinh doanh hoặc lĩnh vực trong vòng 7 ngày qua. Để biết được, bạn chọn khu vực, thời gian, chuyên mục từ danh sách được cung cấp đổ xuống. Google trends sau đó sẽ hiển thị biểu đồ minh họa những nội dung quan tâm được tìm kiếm cũng như danh sách các chủ đề phổ biến đối với từ khóa này.
Nếu bạn muốn thay đổi chút ít để thoát khỏi lối mòn viết lách xưa cũ, theo dõi các xu hướng này có thể giúp bạn tìm thấy những chủ đề hợp thời để nâng cao thứ hạng cho các bài viết
4. GOOGLE WEB MASTER TOOL
Môt trong những cách dễ dàng nhất để vạch ra kế hoạch viết lách là kiểm tra keyword nào đang hướng lưu lượng giao thông vào website của bạn và sử dụng dữ liệu đó để phát triển chiến lược nội dung. Bạn có thể sử dụng Google Webmaster tools với hướng dẫn chi tiết từ Google để tìm ra những nội dung cộng hưởng tốt nhất với độc giả và giúp bạn tạo thêm những nội dung tương tự.
Hoặc nếu nó quá sức phức tạp với bạn thì hãy dùng công cụ quen thuộc Google Analytics! Kiểm tra chuyên mục nội dung nào có nhiều lượt truy cập, chuyên mục có thời gian lưu lại của khách hàng lâu nhất. Đó có thể là những nội dung phù hợp với độc giả của bạn. Sau đó, hãy kết hợp với Google keyword planner để khai thác thêm nhiều khía cạnh nội dung khác liên quan đến chủ đề đó.
5. PORTENT’S CONTENT IDEA GENERATOR
Đây là công cụ team Levica vẫn thường sử dụng để có nhiều ý tưởng cho Khách hàng. Bộ não của chúng ta hoạt động dựa trên nguyên tắc mạng lưới và kết hợp các ý tưởng tưởng chừng như không dính líu với nhau để trở thành những ý tưởng cực kỳ sáng tạo. Dựa trên nguyên lý hoạt động này của não bộ, Portent Inc cung cấp cho các bạn công cụ tuyệt vời. Bạn chỉ cần điền chủ đề mình muốn có ý tưởng (enter your subject here), nhấn Enter.
Hệ thống sẽ tự động xuất ra những cụm từ phối hợp một cách ngẫu nhiên với keyword này. Đôi lúc những phối hợp ngẫu nhiên này sẽ khiến bạn phì cười nhưng nó là cách tuyệt vời để trí óc bạn bay bổng và thoát khỏi những lối mòn hoặc tư duy suy nghĩ đã được đóng khung quá kỹ. Nếu không thấy phối hợp nào ưng ý, bạn chỉ cần nhấn nút refresh, công cụ sẽ tự động tạo ra 1 bộ phối hợp ngẫu nhiên khác.
Vấn đề duy nhất của công cụ này là chưa có phiên bản tiếng Việt. Nhưng tất cả chúng ta đều giỏi tiếng Anh và nhu cầu về nội dung thông tin của người dùng (dù văn hóa/quốc gia nào) cơ bản là tương tự nhau, cần gì phải là tiếng Việt nhỉ!?
Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ và quậy đã đời với các công cụ mà Levica team chia sẻ nhé!
Enjoy!!!
0 comments
Write a comment