viết kịch bản video marketing

Hãy cùng Levica bắt đầu bài viết bằng việc đọc qua thống kê khủng về độ phổ biến của video hiện nay:

Lượng video được tải lên mạng trong vòng 30 ngày còn nhiều hơn lượng nội dung được phát trên các kênh truyền hình chính của Mỹ trong vòng 30 năm qua. (Nguồn: Invisa)

Và: Theo Nielsen, có 147 triệu người Mỹ xem video trên mạng internet.

Vâng, bạn có thể hỏi … liệu đây có phải là giai đoạn vàng của video không khi ngày càng có nhiều người xem như vậy?

Rất vui khi bạn đã hỏi câu này.

Chính xác là như vậy, đó là những gì đang diễn ra.

● Theo Online Publishers Association, có 46% người dùng sẽ thực hiện hành động nào đó sau khi xem một video quảng cáo.

● Theo ComScore, sau khi đã xem một video, 64% người dùng sẽ có xu hướng mua sản phẩm đó trực tuyến.

● Theo ReelSEO, có 96% các tổ chức doanh nghiệp B2B sử dụng video trong các chiến dịch marketing của họ và 73% trong số doanh nghiệp này có những báo cáo tích cực về ROI.

● Những quảng cáo bất động sản có kèm video minh hoạ sẽ nhận về 403% lượng tương tác so với những quảng cáo không có video.

● 1/3 hoạt động trên mạng của người dùng là dành cho việc xem video trực tuyến.

● Theo Forbes, có 59% giám đốc điều hành thích xem video hơn là đọc văn bản.

Thành thật mà nói – nếu mà bạn không để ý tới video, thì bạn đang tự mình đánh mất đi cơ hội tiếp cận khách hàng rồi đấy!

Ngôn từ luôn tuyệt vời, nhưng nếu viết ra một bài dài thì nó có thể gây “ngộp” vì quá nhiều chữ. Dù bạn cố tách chúng ra bằng những khoảng trống và chèn vào những hình ảnh minh hoạ thú vị thì người tiêu dùng vẫn muốn có một cách khác thú vị hơn để tiếp cận thông tin.

Nguồn: BestAnimations

Điều này không có nghĩa là nội dung viết không còn được ưa chuộng nữa mà thật sự hiện tại, nội dung viết lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Có 85% video trên facebook được xem trong chế độ im lặng và người xem thường đọc phần chú thích. Và bạn lưu ý rằng có tới 47% người dùng đọc từ 3-5 bài viết trước khi nhấc máy gọi mua hàng. Cho nên khi nhắc đến quảng cáo thì nội dung viết vẫn là số 1.

Đối với bất kỳ ai thì cách làm truyền thống này sẽ không bao giờ thay đổi (vì bạn vẫn đang đọc bài viết này đấy thôi!). Đa phần khách hàng sẽ đến với bạn thông qua những nội dung viết, và điều này đã diễn ra nhiều năm rồi, nên chúng ta biết nó rất hiệu quả.

Video đang trở thành cách truyền tải nội dung theo xu hướng mới vì theo tâm lý thì xem video là cách giúp con người cảm thấy thoải mái hơn. Thêm vào đó, rất dễ dàng để tiếp thu nội dung video. Chỉ cần nhấn “play”, ngồi xuống và tận hưởng thôi!

Vì “play video” quá đơn giản nên người ta thích xem video hơn và họ cũng hay đổ xô vào những trang như Youtube mỗi khi họ muốn giải trí, cập nhật tin tức, hoặc cả 2. Có khoảng 1.9 tỷ người dùng đăng nhập vào Youtube mỗi tháng.

Khi tôi bắt đầu tập trung vào việc đầu tư vào kênh youtube, tôi cam kết xuất bản ít nhất hai video mới mỗi tháng. (Chúng tôi viết 1-2 bài viết mỗi tuần, vì tôi vẫn ưu tiên nội dung viết.) Tôi đã thấy được khả năng tiếp cận trực tiếp từ video vô cùng lớn, lưu lượng truy cập đều tăng và thậm chí là giúp tăng lượng khách hàng tiềm năng nữa và lợi nhuận thu về tốt hơn sau khi tôi đầu tư nhiều hơn vào chiến lược viết kịch bản. Tôi sẽ chia sẻ với bạn một số chiến lược mà tôi sử dụng thường xuyên trong bài viết này.

Nếu bạn là một “cây viết”, bạn có thể luôn phấn đấu để viết được bất kể loại nội dung phổ biến nào. Các bài viết, tin tức và nội dung web đều quan trọng như nhau. Tuy nhiên, nếu biết thêm cách viết kịch bản hay cho video cũng là một lợi thế. Hãy nghĩ theo hướng là – làm video không phải để thay thế cho nội dung bài viết mà thay vào đó, nó là một dạng sáng tạo, dựa trên một kịch chỉnh chu.

Hôm nay, tôi sẽ giới thiệu về cách viết một kịch bản video như thế nào cho tuyệt vời từ bước lập kế hoạch, sáng tạo, quảng bá – mọi thứ từ đầu đến cuối.

Cách viết kịch bản video tuyệt vời: Hướng dẫn hoàn chỉnh

1. Xác định loại video và mục đích

2. Cách kết hợp các ý tưởng với các mục tiêu

3. Cách viết kịch bản – Soạn bản thảo và hơn thế nữa

4. Sản xuất và đăng tải video

5. Bí kíp sau cùng giúp video thành công

Video tiếp thị là gì? Tại sao bạn nên làm video tiếp thị?

“Bạn muốn tôi mua món hàng này ư? Hmm, Tại sao tôi phải mua?”

“Uh, hãy để tôi giải thích …”

Chúng ta có thể đã trải qua tình huống tương tự như đoạn hội thoại trên. Nếu bạn là người đang cố giải thích những lợi ích mà người mua sẽ có được khi sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn cung cấp thì hy vọng bạn nắm vững kiến thức về sản phẩm / dịch vụ để không bị bối rối.

Nhiều lúc chúng ta nghĩ những lần thuyết phục như vậy nên được thực hiện trực tiếp, mặt đối mặt với khách hàng. Đúng, điều này đúng chứ không sai.

Tuy nhiên, khi chúng ta làm video, chúng ta muốn mọi thứ diễn ra như khi chúng ta đọc từ kịch bản. Kịch bản chính là chìa khóa cho một video hay, đặc biệt là khi nói về chi tiết sản phẩm hoặc dịch vụ.

Hình ảnh từ IdeaRocket

Một video giải thích tốt sẽ sử dụng thời gian một cách hiệu quả – nói chính xác video nói về những gì mà người nghe muốn nghe bằng cách tiếp cận và giải quyết vấn đề từng bước một.

Hãy lưu ý những lời khuyên sau khi bạn định làm một video về giải thích:

Súc tích: Bạn có thể mô tả, nhưng hãy thử bắt đầu với 1-2 câu đơn giản tóm tắt sản phẩm và những gì nó mang lại.

Biết đối tượng của bạn: Tập trung vào đối tượng bạn đang viết – nhưng quan trọng hơn, tập trung vào vấn đề bạn có thể giải quyết. Mọi người xem video để hiểu bạn sẽ giúp họ giải quyết vấn đề như thế nào. Hãy cụ thể và đi vào nội dung chính nhanh – gọn – lẹ.

Cân nhắc việc tham khảo người ngoài: Đôi lúc bạn cũng nên có những góc nhìn mới khi viết kịch bản. Khi có thắc mắc, hãy hỏi khách hàng hiện tại ý kiến, cảm nhận của họ về sản phẩm.

Khi bạn tìm cảm hứng để viết kịch bản, bạn có thể xem một số kịch bản video mẫu và làm theo, hoặc sử dụng nó làm nguồn cảm hứng cho kịch bản của riêng bạn.

Nhưng, đừng vội vàng. Trước khi viết kịch bản, hãy làm bước nghiên cứu.

Bước 1: Lên ý tưởng – Kết hợp các ý tưởng với mục tiêu

Điều đơn giản khi viết kịch bản video là bạn có thể bắt đầu giống như cách mà bạn đang viết blog, mô tả sản phẩm, cảm nghĩ trên mạng xã hội hoặc bất kỳ loại kiểu viết lách nào.

Bạn cần có chiến lược cho từng phần nội dung ra bằng cách kết nối ý tưởng viết với mục tiêu của bạn.

Điều này có nghĩa là sự sáng tạo của bạn sẽ được chuyển thành ROI.

Theo cách này, kịch bản của bạn sẽ phục vụ một trong ba mục đích. Đầu tiên là giúp video xuất hiện trong trang đầu của kết quả tìm kiếm – vâng, SEO có ảnh hưởng ở phần này, nhưng chi tiết về SEO ở phần sau.

Thứ hai là phục vụ mục đích bán hàng hoặc xây dựng các kết nối để tạo điều kiện cho việc bán hàng. Điều cuối cùng là xây dựng nhận thức về thương hiệu của bạn và những gì bạn cung cấp ra thị trường. Nếu thực sự có tài, bạn có thể nghĩ ra được các kịch bản video giúp hiện thực hóa hai hoặc thậm chí tất cả các mục tiêu này.

Ý tưởng của bạn nên phục vụ ít nhất một trong những mục tiêu này. Nếu không, thì có lẽ đã đến lúc cần phải suy nghĩ lại. May mắn là nếu bạn làm video dựa trên sản phẩm hoặc dịch vụ thì sẽ dễ dàng hoàn thành được một trong những mục tiêu trên.

Dù bạn muốn viết kịch bản bay bỗng cỡ nào thì nó cũng nên thực tế và mang lại kết quả thực sự như:

● Bạn muốn video của mình xuất hiện ở trang đầu trong kết quả tìm kiếm

● Bạn muốn video của mình giúp tăng doanh số và mang lại nhiều khách hàng tiềm năng hơn

● Bạn muốn video phải lan tỏa được danh tiếng thương hiệu của bạn

Hãy suy nghĩ về những từ khóa mà ai đó sẽ gõ khi tìm video trên YouTube hoặc Google. Tập trung vào các vấn đề mà video của bạn có thể giải quyết được. Và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, hãy để tên thương hiệu của bạn được tỏa sáng khi soạn kịch bản video.

Nói về điều đó – hãy cùng nói đến các mẹo để bắt đầu kịch bản video tuyệt vời.

Bước 2: Cách viết kịch bản video tuyệt vời cho YouTube và các nền tảng khác dựa trên việc viết bản thảo

Như tôi đã trình bày ở trên, là chúng ta cần có chiến lược trước khi tiến hành viết kịch bản hay bất kể khi viết nội dung nào khác đi nữa. Ở đây cũng có một chiến lược quen thuộc có thể áp dụng vào việc viết kịch bản cho video, giống như là viết blog, làm marketing trên mạng xã hội hay bất kỳ kiểu quảng cáo gì đi chăng nữa, đó là viết trước một bản thảo.

Hãy đọc thử phần mở đầu của một trong các kịch bản video mà tôi viết như hình sau:

Và đây là cách tôi chuyển nội dung đó sang video. Tôi không đọc dạng thuộc lòng kịch bản đó mà tôi chỉ xem đi, xem lại để nhớ kỹ những đầu mục chính trước khi ghi hình.

Đoạn kịch bản mẫu này tuy đơn giản nhưng hiệu quả vì ngay khi bạn nhấp vào xem, bạn sẽ biết tôi là ai, tôi làm gì và tôi có thể giúp bạn như thế nào.

Ngay sau đó, bạn biết được bảy loại nội dung cụ thể mà tôi sẽ giới thiệu trong video là gì. Người xem sẽ đánh giá cao khi bạn khiến mọi thứ diễn ra nhanh chóng và cung cấp cho họ cái nhìn tổng quan về những gì họ sẽ biết được nếu họ xem tiếp.

Viết được đoạn mở đầu hay cho video là điều rất quan trọng vì nó giúp giữ người xem ở lại với bạn. Thuật toán YouTube rất thông minh – nếu nó thấy mọi người tiếp tục xem, bạn sẽ được tăng điểm ở tỷ lệ duy trì và nhờ vậy mà video của bạn sẽ có thứ hạng cao hơn khi người khác tìm kiếm.

Vì chúng ta đang bàn đến YouTube nên tôi đưa ra thêm lý do tại sao chúng ta nên tối ưu hóa kịch bản cho nền tảng này. Lượng “view” trên YouTube tự thân nó nói lên tất cả – hơn 5 tỷ video được xem trên trang web này mỗi ngày. Khi nào bạn cũng có gì đó để xem trên Youtube vì có hơn 300 giờ video được tải lên Youtube mỗi phút.

Nhưng đây lại là con dao hai lưỡi. Mặc dù bạn có một lượng lớn khán giả để thu hút, nhưng họ cần tìm bạn trước. Điều này đưa chúng ta đến chủ đề cần thảo luận ngay sau đây.

Câu Hỏi: Liệu SEO có ảnh hưởng đến kịch bản video không?

Bạn có thể nghĩ vì ngôn ngữ viết trên kịch bản đã được chuyển thể thành dạng video rồi nên chắc từ khóa không còn quan trọng khi viết kịch bản nữa. Nhưng, hãy suy nghĩ lại – SEO rất ảnh hưởng đến kịch bản đấy nhé, ví dụ như ở tiêu đề, nhãn (tag), và phần chú thích video.

Nếu bạn không biết tìm từ khóa sao cho đúng thì có thể sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa phổ biến như KWFinder SEMrush. Tuy nhiên, cũng có nhiều công cụ dành riêng cho video mà bạn có thể sử dụng như VidIQ – có cả phiên bản dùng thử.

Thông số kênh của tôi trên VidIQ. Quá tuyệt vời!

Công cụ này giống như dạng tiện ích mở rộng trên Chrome, tự động cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về các từ khóa tốt nhất. Ngoài bản miễn phí, nó cũng có gói chi phí rất hợp lý, gọi là phiên bản Pro, cung cấp nhiều công cụ phân tích và nghiên cứu hơn chỉ với $7,50/tháng. Tôi dùng bản Pro vì những thông tin thêm về từ khóa và SEO YouTube là rất cần được quan tâm.

Ví dụ video của chúng tôi hiển thị ở vị trí thứ 4 trên YouTube!

Ngoài việc xem được thông tin kênh của bạn, nó còn có chức năng theo dõi đối thủ cạnh tranh và các tính năng bổ sung như công cụ nghiên cứu từ khóa, phân tích lịch sử và thống kê về các video đang thịnh hành.

Tầm quan trọng của SEO trong kịch bản video cũng y như bất kỳ loại nội dung viết nào khác. Nếu bạn biết đối tượng xem video của bạn đang gõ những gì trên thanh tìm kiếm thì bạn sẽ giúp họ dễ dàng tìm thấy video của mình hơn.

Những mẹo khác trước khi phát hành video

Bạn đã nắm được định dạng, phần giới thiệu và từ khóa rồi – nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đã xong cái kịch bản. Khi đánh giá kịch bản, có vài điều quan trọng bạn cần nhớ như sau.

● Đối với người mới bắt đầu, hãy chú ý về độ dài. Bạn nên làm video dài khoảng 8-10 phút thôi. Nếu nội dung bạn nói ít hơn 8-10 phút thì cứ thoải mái. Nhiều công ty còn làm video dài có 2 phút. Tuy nhiên, khi người xem xem video của bạn đến khoảng phút thứ 6 thì khả năng cao bạn sẽ kết nối được với họ.

Nếu video của bạn dài hơn thời gian trên thì bạn nên sử dụng nhiều hình ảnh đồ họa hỗ trợ để giúp nội dung không bị nhàm chán.

Dưới đây, một ví dụ về quá trình chỉnh sửa video của tôi, trước khi sử dụng bên thứ 3 làm video cho tôi thì tôi rất thích dùng Camtasia TechSmith cho công đoạn này vì nó dễ sử dụng!

Bạn có thể thấy tôi chèn đồ họa và nhạc xuyên suốt video, điều này đảm bảo hình ảnh không quá rời rạc, nhưng cũng không quá liên tiếp để khiến người xem mất tập trung.

● Sử dụng hình ảnh và ảnh động, vì nó khiến video thêm sinh động. Hãy nhớ rằng, bạn đang cho người xem một bài thuyết trình bằng trực quan và cả thính giác nữa. Hãy sáng tạo và để cho tâm hồn nghệ sĩ của bạn được tỏa sáng khi lựa chọn hình ảnh chèn vào video nhé.

Ngay cả những thứ đơn giản như hình ảnh hỗ trợ và biểu đồ cũng nên được chèn thêm để tạo hiệu ứng để khiến nó nổi bật, dễ nhớ và làm cho người xem muốn xem đến phút cuối.

● Nhạc nền cũng rất quan trọng. Việc viết được một kịch bản video có kèm nhạc đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn so với việc viết ra một kịch bản quảng cáo bình thường – việc có thêm nhạc nền hoặc những âm thanh khác được sắp xếp hợp lý sẽ là điểm cộng cho kịch bản của bạn.

Ghi nhớ: Nên đơn giản hơn là làm lố, khai thác tính hữu ích hơn là kể ra các tính năng

Kỹ thuật cuối cần chú ý khi viết kịch bản là quy luật KISS.

Keep it short and simple – Nói ngắn gọn và đơn giản – như chúng ta đã nói về giá trị của sự súc tích, nhưng không nên tập trung quá nhiều vào các hiệu ứng video khiến nó lấn át cả nội dung chính của video.

Tính đơn giản không chỉ lợi khi viết kịch bản mà nó lợi về marketing nói chung. Trong thập kỷ qua, các thương hiệu được nổi tiếng thường rất chú trọng đến sự đơn giản. Thậm chí, 62% người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một trải nghiệm đơn giản.

Hình ảnh, hiệu ứng hay bất kỳ yếu tố sáng tạo nào cũng chỉ là thứ yếu khi so với thông điệp chính. Thông điệp phải luôn tập trung vào lợi ích mà bạn mang đến cho người xem. Người xem không muốn nghe bạn giải thích có bao nhiêu thứ hay ho ở sản phẩm của bạn mà họ muốn biết làm thế nào sản phẩm đó có thể giúp họ.

Làm video kể ra 10 tính năng của sản phẩm cũng không bằng tập trung nói 1 lợi ích dành riêng cho người dùng.

Mời bạn xem tiếp phần 2 của bài viết tại đây:

Cách viết kịch bản “tuyệt cú mèo” cho video Youtube, video tiếp thị (P2)

Levica lược dịch từ expresswriters.com

Related Post